Vẫn chiêu trò cũ
Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của nước ta là sự kiện chính trị quan trọng - Ngày Hội lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Tuy nhiên, hiện nay các thế lực phản động, thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị lại đang chống phá quyết liệt, nhưng vẫn với chiêu trò cũ, nhai đi nhai lại cụm từ: “Đảng cử dân bầu”.
Họ rêu rao rằng bầu cử ở Việt Nam là “lợi dụng bầu cử để tập trung phe nhóm, vây cánh”, rồi cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không nên can thiệp quá sâu vào công tác bầu cử”...
Vậy xin hỏi, các nước trên thế giới có “Đảng cử dân bầu” không? Xin thưa, nước nào cũng Đảng cử dân bầu. Ví dụ như nước Mỹ, xưa nay đều hai đảng - hoặc là Dân chủ hoặc là Công hòa thay nhau chọn ai là Tổng thống lãnh đạo nước Mỹ để dân lựa chọn. Gọi là tam quyền phân lập, nhưng chỉ có ý nghĩa phân chia quyền lực mà thôi, còn bản chất thì “tuy hai mà một”.
Phân tích như thế để khẳng định rằng, mục đích của những người chống phá bầu cử của nước ta chỉ nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước nói chung và với Cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nói riêng.
Điều 1, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của nước ta quy định: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Nguyên tắc này đã thể hiện đầy đủ sự dân chủ và thống nhất trong bầu cử.
Còn Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp Việt Nam hiện hành còn quy định rõ ràng “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc”… Chính vì thế mà Đảng ta lãnh đạo công tác bầu cử là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, là nhà nước của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, Đảng lãnh đạo bầu cử là hoàn toàn đúng quy định của Hiến pháp.
Trong Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH Khóa XV quy định phải có cơ cấu số đại biểu là nữ, tuổi trẻ, là cán bộ nghiên cứu khoa học, trí thức, là người dân tộc thiểu số, là người ngoài Đảng…
Lợi dụng quy định trên, các thế lực phản động, thù địch, coi đây là thời cơ để nhào nặn ra cái gọi là các “nhà dân chủ” núp bóng danh nghĩa “tự ứng cử”, ra sức kêu gọi, vận động, tung hô, tuyên truyền, cổ xúy, hứa hão, thậm chí có thể bỏ cả tiền bạc để mua phiếu bầu, nhằm cài cắm người vào các cơ quan quyền lực của nhà nước, địa phương, vừa làm phân tán phiếu bầu, vừa đạt ý đồ phá hoại bầu cử. Tuy nhiên, Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức T.Ư về tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đã quy định rõ: “Phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm. Kiên quyết không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, chạy chức, chạy quyền”.
Vậy thử hỏi các “nhà dân chủ” có được tiêu chuẩn này không để mà “tự ứng cử” và “trúng cử” vào Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp?
Để bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, ở địa bàn Hà Tĩnh - dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các cấp Hội CCB cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị tuyên truyền vận động nhân dân nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; quyền và nghĩa vụ của cử tri; đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch để nhân dân cảnh giác.
Bên cạnh đó, Hội CCB tỉnh cũng kịp thời phối hợp với các cơ quan truyền thông để thông tin đầy đủ, thường xuyên, liên tục về công tác chuẩn bị và quá trình bầu cử cho cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân. Qua đó góp phần hạn chế ảnh hưởng của những thông tin sai trái, xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, lợi dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử nhất là trên không gian mạng.
Đồng thời mỗi cán bộ, hội viên CCB luôn củng cố ý chí quyết tâm, xây dựng bản lĩnh chính trị, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự bảo vệ chính mình” và là “những công dân gương mẫu, trách nhiệm” luôn phải có thái độ rõ ràng trước các luồng thông tin xấu độc, góp phần thành công của cuộc bầu cử, với ý nghĩa thiết thực là Ngày Hội của toàn dân.
Trần Hậu Tám - Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh