Vẫn chỉ là hy vọng (04/07/2012)

Hội nghị quốc tế Bộ trưởng Ngoại giao các cường quốc thế giới và khu vực vừa qua tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ nhằm tìm giải pháp chấm dứt bạo lực đẫm máu kéo dài hơn một năm qua và nhất trí về một kế hoạch chuyển tiếp chính trị ở Xy-ri đã đạt đồng thuận tối thiểu về thành lập chính phủ lâm thời liên hiệp ở quốc gia Trung Đông này, song không đề cập số phận của Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát. Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả-rập (AL) về Xy-ri Cô-phi An-nan cho biết, hội nghị đã nhất trí rằng chính phủ chuyển tiếp "có thể bao gồm các thành viên chính phủ hiện nay cũng như lực lượng đối lập và các nhóm khác, và sẽ được thành lập trên cơ sở đồng thuận chung." Ông An-nan cũng đề cập văn kiện được nhất trí nêu rõ các cường quốc chỉ đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo nhằm hỗ trợ các bên ở Xy-ri khi họ thúc đẩy tiến trình chuyển giao và thiết lập một chính phủ chuyển tiếp cũng như tiến hành những thay đổi như được yêu cầu, còn tương lai của Tổng thống An Át-xát "phụ thuộc vào chính người dân Xy-ri". Các nước bên ngoài chỉ có thể đưa ra lời khuyên, chứ không thể điều khiển tiến trình chuyển giao quyền lực tại quốc gia Trung Đông này. Đây là giải pháp nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài 16 tháng qua ở Xy-ri, trong đó không còn sự đòi hỏi bắt buộc Tổng thống Ba-sa An Át-xát phải từ bỏ quyền lực.

Giới quan sát chính trị quốc tế cho rằng kết quả này là một nhượng bộ của phương Tây đối với Nga và Trung Quốc. Ngoại trưởng Anh Uy-li-am Hây-gơ thừa nhận rằng kết quả hội nghị là một "thỏa thuận nhượng bộ" bởi Nga đã tận dụng thực tế là họ đã thuyết phục các cường quốc khác rằng "không thể chấp nhận được" việc loại bất cứ đảng nào khỏi tiến trình chuyển tiếp ở Xy-ri. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, giữa Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn vẫn tồn tại nhiều điểm bất đồng về cách thức giải quyết cuộc xung đột tại Xy-ri, đặc biệt là đối với kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên An-nan.

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn tuyên bố sau hội nghị là "Chúng ta đã mở ra một tương lai không có Át-xát", Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vơ-rốp lại cho rằng vấn đề ra đi của ông Át-xát "hoàn toàn không xuất phát từ kế hoạch nêu ra tại hội nghị". Theo ông La-vơ-rốp, người Xy-ri cần quyết định cơ chế chuyển đổi chế độ của họ. Cùng quan điểm với Nga, đại diện Trung Quốc tỏ ý hài lòng về kết quả hội nghị. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố "một kế hoạch chuyển giao chế độ của Xy-ri chỉ có thể được tiến hành bởi người Xy-ri và không có sự áp đặt của thế lực bên ngoài."

Tuy nhiên, sức ép cả về chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế và nay thêm cả quân sự đang không ngừng tăng với Đa-mát. Cuộc răn đe trên biên giới cùng các biện pháp cấm vận trên nhiều phương diện của Mỹ và đồng minh nhằm làm suy yếu chế độ của ông Ba-sa An Át-xát vẫn tiếp diễn. Chưa có dấu hiệu thực tế nào cho thấy cuộc khủng hoảng tại Xy-ri giảm nhiệt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc tại vùng địa - chính trị xung yếu này. Và, những gì vừa đạt được tại Giơ-ne-vơ xem ra vẫn chỉ là hy vọng mong manh của những người trong cuộc.

Tuấn Minh