Vẫn cái nhìn sai lệch về tự do tôn giáo ở Việt Nam (09/08/2012)

Trước hết phải khẳng định rằng, đây là những luận điệu cũ rích và lỗi thời, đi ngược lại xu hướng phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt-Mỹ hiện nay. Tung ra những nhận xét thiếu khách quan về tôn giáo ở Việt nam những người soạn báo cáo này đã phớt lờ trước sự thật, từ khi ra đời, Nhà nước Việt nam luôn luôn thi hành chính sách nhất quán bảo đảm quyền tự do tín ngướng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, 80% số dân có đời sống tín ngưỡng, trong đó có 22,3 triệu người là tín đồ các tôn giáo khác nhau và có 25.000 cơ sở thờ tự… hầu hết các tôn giáo trên thế giới như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… đều có mặt ở Việt Nam, đang cùng chung sống hòa bình và phát triển. Nhà nước Việt Nam luôn luôn thi hành chính sách nhất quán bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Ở đất nước Việt Nam, tôn giáo chưa bao giờ phát triển như ngày nay. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo được chú trọng. Công cuộc đổi mới đã đem lại đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, hệ thống pháp luật được hoàn thiện. Đó là những điều khiện thuận lợi để thực hiện quyền tự do tôn giáo.

Thực tế này đã thuyết phục không ít chính khách Mỹ cũng như thế giới. Có thể kể đến đánh giá của Thượng nghị sỹ Mỹ Dim Oét sau chuyến thăm Việt Nam năm 2009 rằng: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể, song không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay. Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Va-ti-căng Ba-lê-xtre-rô khi đặt chân tới Việt Nam hồi tháng 2 năm nay cũng ghi nhận, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và đảm bảo tự do tôn giáo của người dân.

Thật là nghịch lý khi báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam mà lại vẫn có những nhận xét đầy chủ quan, định kiến theo kiểu chụp mũ, cho rằng “quyền tự do tôn giáo bị giới hạn bằng nhiều cách” và "một số tín đồ tôn giáo tiếp tục bị đàn áp hoặc sách nhiễu, cầm tù…”.

Cần nhắc lại rằng, Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác thực thi pháp luật, nghiêm cấm những hành vi lợi dụng tôn giáo, nhân quyền để gây mất ổn định chính trị- xã hội, làm tổn hại đến an ninh quốc gia, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Những ai vi phạm, bất kể họ thuộc tôn giáo nào cũng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào khác cũng đều ứng xử như vậy! Không lẽ điều tất yếu đó lại khó hiểu đến thế với những người soạn báo cáo tự do tôn giáo của Mỹ? Không thể nói là họ thiếu thông tin. Thời gian gần đây, cùng với mối quan hệ phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt, Việt Nam và Mỹ đã tiến hành đối thoại thẳng thắn và xây dựng trên nhiều vấn đề, trong đó vòng đối thoại về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng đã diễn ra tới lần thứ 16.

Có thể nói; không một xã hội nào có thể tự coi mình là hoàn hảo để làm thước đo cho các xã hội khác, không thể đưa ra những tiêu chí theo kiểu chuẩn mực của mình, để áp đặt cho nước khác, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm như tự do tôn giáo, tín ngưỡng, biến tôn giáo thành quân cờ, bất chấp cả tinh thần cơ bản của công ước quốc tế. Dùng “cây gậy” lỗi thời về tôn giáo sẽ không đem lại lợi ích cho sự tiến triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Đó là việc làm hết sức nguy hiểm đang bị dư luận thế giới và trong nước bác bỏ.

Minh Phương