Vải thiều trúng mùa, được giá
Nhiều gia đình có thu nhập tốt nhờ vải thiều được mùa.
Vải thiều tỉnh Bắc Giang đã bắt đầu chín vụ, tại các huyện như Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên… ngay từ tờ mờ sáng, hàng trăm người dân đã nhộn nhịp chở vải đi cân bán. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ đã được Ngành Công thương và địa phương là vùng trồng trọng điểm triển khai với kỳ vọng nâng cao giá trị quả vải thiều.
Sản lượng vải thiều tăng
Gia đình CCB Nguyễn Văn Thực, trú xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn trồng 2ha vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Thực, sản lượng dự kiến của vụ vải năm nay khoảng 20 tấn. Thông thường, sản lượng vải dao động khoảng 9-12 tấn/ha, năm nay so với vài năm trở lại đây là được mùa nhất, chất lượng quả vải khá tốt. Gia đình ông Thực tiêu thụ vải theo cả kênh xuất khẩu và tại thị trường nội địa. Một số doanh nghiệp đang đặt vấn đề thu mua vải để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Năm nay, dự kiến sản lượng vải đạt tiêu chuẩn quả to đẹp, xuất khẩu đi châu Âu khoảng hơn 10 tấn. Giá xuất khẩu dự kiến khoảng 25.000 đến 35.000 đồng/kg, tùy kích cỡ và thị trường xuất khẩu.
“Năm nay, hàng chuẩn to đẹp, hạng một vẫn có giá 35.000 đồng/kg. Doanh nghiệp cũng thu mua theo đơn hàng của từng thị trường xuất khẩu. Ví dụ, vải xuất sang Nhật, châu Âu giá cao hơn xuất sang Australia. Các doanh nghiệp đã đặt vấn đề, dự kiến khoảng 1 tuần nữa vào chính vụ vải, chờ vải chín, kiểm tra chất lượng ổn là thu hoạch để xuất khẩu" - ông Thực nói.
Gần 10 tấn vải còn lại được gia đình ông Thực tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội. Từ đầu mùa đến nay, gia đình ông Thực đã bán vải cho một số mối bán sỉ, lẻ tại Hà Nội với mức giá khoảng 20.000-25.000 đồng/kg.
Tương tự, CCB Lê Văn An, trú xã giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, thành viên HTX sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái xã Giáp Sơn, chia sẻ gia đình ông trồng 2ha vải, sản lượng dự kiến lên tới gần 30 tấn. So với những năm trước, năm nay có thể nói là được mùa lớn. “HTX đang dần thu hoạch vải, hiện mới thu hoạch được vài tấn. Trọng điểm vải chín rộ khoảng 1 tuần nữa. Năm nay được mùa, giá bán trên cũng đảm bảo có lãi, dù lãi không quá cao. Hy vọng mức giá có thể cải thiện trong các mùa vụ sau bởi 22.000 đồng/kg là mức giá đã duy trì nhiều năm” - ông An nói.
Đáp ứng nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng
Mới đây, 100 tấn vải thiều chín sớm của tỉnh Bắc Giang đã được vận chuyển đến các hệ thống bán lẻ trên toàn quốc, mở đầu cho mùa tiêu thụ vải năm nay của tỉnh này. Ngày 30-5, gần 500 tấn vải chín sớm của huyện Tân Yên được các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ ngay tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều năm 2023 của tỉnh Bắc Giang. Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang - Trần Quang Tấn cho biết: Năm nay, tỉnh Bắc Giang duy trì hơn 29.000ha vải, với sản lượng khoảng 180.000 tấn. Do đó, việc chủ động kết nối cung cầu là cách để quả vải có thể đi xa và nông dân có thu nhập ổn định.
Từ cuối tháng 4-2023, tỉnh đã xúc tiến tiêu thụ và ký kết gần 40 hợp đồng, biên bản ghi nhớ cho tiêu thụ vải thiều, với sản lượng hơn 110.000 tấn. Các huyện Tân Yên, Lục Ngạn cũng tổ chức các đoàn xúc tiến tại Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Đến nay có trên 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam để đến Bắc Giang tham gia giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều. Thời gian thu hoạch vải thiều chín sớm sẽ kéo dài trong khoảng 20-30 ngày.
Riêng quả vải thiều, niên vụ năm 2023, Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 96.000 tấn vải thiều, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng 15,2% so với niên vụ 2022. Thị trường xuất khẩu chính là các nước: Trung Quốc, EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Đông Nam Á và khu vực Trung Đông…
Thời điểm này, các cơ sở sơ chế, đóng gói, sản xuất hàng phụ trợ, thương mại dịch vụ phục vụ mùa vải trên địa bàn một số huyện của Bắc Giang, đặc biệt là huyện Lục Ngạn đang đẩy mạnh hoạt động. Một tin vui nữa đến với vựa vải của cả nước là Bắc Giang vừa được cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, 37 mã sang Nhật Bản và 15 mã sang Mỹ.
Đánh giá về những thuận lợi, khó khăn của thị trường xuất khẩu đối với quả vải, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Niên vụ vải năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách “Zero Covid”, mở cửa trở lại, việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện. Tuy nhiên, việc xuất khẩu, tiêu thụ vải năm nay cũng đối mặt nhiều khó khăn nhất định như: Nhu cầu xuất khẩu nhiều thị trường giảm mạnh, thị trường xuất khẩu nhiều biến động, quá trình vận chuyển đường dài nếu không có giải pháp bảo quản tốt, quả vải sẽ giảm chất lượng.
Với thị trường Trung Quốc, đại diện chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) - Nguyễn Hữu Quân khuyến cáo: Các doanh nghiệp, địa phương cần nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp tiếp thị sản phẩm.
Võ Hóa