“Vắc-xin cứng” - “ngăn chặn mềm”
Biến thể Delta của SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 với tốc độ lây siêu nhanh đã tấn công hàng loạt quốc gia, cả những nước đã trở thành hình mẫu chống dịch hay đi đầu thế giới về tỉ lệ tiêm vắc-xin. Trong khi vắc-xin đã được khẳng định là công cụ chắc chắn - biện pháp cứng - để đẩy lùi đại dịch trên toàn cầu thì mỗi nước lại có các biện pháp khác nhau, tùy vào quan điểm hay năng lực y tế, kinh tế, để đối phó với đại dịch mà chưa có mô hình nào được khẳng định như một đáp án chung cho toàn cầu.
Hơn một năm rưỡi thành công khi liên tiếp đẩy lùi một loạt làn sóng dịch rải rác thì chỉ trong hơn một tuần trở lại đây, Trung Quốc lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đợt bùng phát dịch mới xuất phát từ T.P Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô ở miền Đông. Gần như toàn bộ các ca bệnh ở đây đều được xác nhận nhiễm biến thể Delta với khả năng lây nhiễm siêu nhanh và siêu mạnh. Làn sóng dịch lần này xuất phát từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu ở Nam Kinh, một thành phố lớn với dân số hơn 9,3 triệu người. Ngày 20-7, trong một cuộc kiểm tra định kỳ, 9 nhân viên dọn vệ sinh tại sân bay này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến hết ngày 30-7, Nam Kinh đã ghi nhận ít nhất 210 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng và 5 ca nhiễm không triệu chứng. Ổ dịch này hiện lây lan sang 6 tỉnh và Thủ đô Bắc Kinh, ít nhất 15 thành phố ghi nhận các ca bệnh và ít nhất 26 thành phố có người liên quan các ca nhiễm ở Nam Kinh.
Trung Quốc đã chống dịch thành công, áp dụng các biện pháp mạnh với năng lực xét nghiệm tốt, nhưng biến thể Delta vẫn là một quan ngại lớn với quốc gia hơn 1 tỷ dân này. Trong khi đó, cũng với dân số khoảng 9,3 triệu người, Israel - quốc gia đi đầu thế giới với tỷ lệ tiêm chủng đạt 57% - cũng đang phải tái áp dụng các biện pháp chống dịch khi mới mở cửa trở lại nền kinh tế được chưa tròn 2 tháng bởi trong vòng 2 tuần qua trung bình mỗi ngày có hơn 2.000 ca dương tính với chủng Delta.
Lần chống dịch này, Chính phủ mới của Thủ tướng Israel - Naftali Bennett áp dụng song hành chiến lược “ngăn chặn mềm” và tiên phong trên thế giới về tiêm mũi vắc-xin Pfizer bổ sung cho người đã được tiêm 2 mũi vắc-xin này. Nói Israel tiên phong bởi Công ty Pfizer thông báo ngày 28-7 rằng tiêm mũi thứ ba là cần thiết thì cũng trong ngày này, Thủ tướng Israel tuyên bố sẽ khởi động chiến dịch tiêm mũi thứ ba bổ sung cho nhóm người trên 60 tuổi để “giảm cơ hội lây nhiễm và trở bệnh nặng”. Theo ông Bennett, Tổng thống Israel là người được tiêm mũi thứ ba đầu tiên ngày 30-7 ở Israel.
Chiến lược mới mà Chính phủ Israel triển khai là “ngăn chặn mềm”. Nội dung cốt lõi của chiến lược này là Chính phủ Israel muốn áp dụng ít biện pháp hạn chế nhất có thể, tránh nguy cơ phong tỏa lần thứ tư trên phạm vi toàn quốc, vốn có nguy cơ hủy hoại hơn nữa triển vọng phục hồi kinh tế. Chiến lược “ngăn chặn mềm” cũng giúp người dân Israel tiếp tục cuộc sống gần như bình thường. Chiến lược mới của Israel cũng đề cập nỗ lực hạn chế cập nhật những diễn biến “gây sốc” liên quan đến dịch bệnh trong những chương trình truyền hình và phát thanh phát “khung giờ vàng”, điều mà Chính phủ tiền nhiệm áp dụng. Mục đích của biện pháp này nhằm giúp người dân nhận thức được rằng việc “sống chung với dịch bệnh” đã trở thành một phần của cuộc sống thường nhật ở Israel.
Mỗi nước một mô hình chống dịch Covid-19 tùy theo đặc điểm riêng như địa lý, cơ cấu và sức mạnh của nền kinh tế. Bài học có thể rút ra là bên cạnh việc triển khai tiêm vắc-xin, thậm chí đến cả mũi thứ ba nếu thử nghiệm ở Israel thành công, thì các chiến lược “ngăn chặn cứng” hay “ngăn chặn mềm” vẫn là cần thiết để đẩy lùi đại dịch, sớm ổn định cuộc sống của người dân và hồi phục tăng trưởng.
Thanh Huyền