Ưu tiên thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội (31/03/2011)

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng Ba và quý 1 năm 2010, các thành viên Chính phủ cho rằng, trong quý 1, các bộ, ngành và địa phương cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP đã tập trung tổ chức thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP và đã đạt được những kết quả bước đầu trong quản lý tiền tệ, tín dụng, lãi suất, quản lý ngoại tệ và vàng; tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp thắt chặt chi tiêu ngân sách, giảm đầu tư công đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ sản xuất, khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội...

Do vậy, sản xuất công nghiệp tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%, thu ngân sách bằng 21,2% dự toán năm (cao nhất trong vòng 3 năm qua), đầu tư nước ngoài tăng 1,6%, xuất khẩu tăng 33,7% (gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua)... đưa tốc độ tăng GDP quý 1 đạt 5,43%, trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,05%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,47%, dịch vụ tăng 6,28%. Đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, gia đình người có công được quan tâm.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, năm 2011 nhờ thực hiện các giải pháp không kéo dài thời gian giải ngân, không ứng trước kế hoạch năm 2012 vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, giảm 32% vốn trái phiếu Chính phủ, giảm 10% tín dụng đầu tư của nhà nước đã giảm được khoảng trên 50.000 tỷ đồng.

Về kết quả rà soát, cắt giảm các dự án trong kế hoạch năm 2011, theo tổng hợp báo cáo sơ bộ của 30 bộ, ngành ở Trung ương, 63 tỉnh, thành phố và 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã cắt giảm được 1.387 dự án với tổng số vốn cắt giảm gần 3.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, những bất ổn chính trị tại các nước Trung Đông và Bắc Phi cùng với sức ép tăng giá cả hàng hóa từ thị trường thế giới và giá đầu vào các sản phẩm quan trọng như điện, than, xăng dầu...tạo áp lực tăng giá hàng hóa, gây khó khăn cho kiềm chế lạm phát (quý 1 tăng 6,12%). Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân.

Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; cứu đói các hộ nghèo, hỗ trợ tín dụng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định chỗ ở, định canh định cư; đồng thời hỗ trợ trực tiếp 30.000 đồng/tháng/hộ khi thực hiện tăng giá điện.

Tạo việc làm cho gần 343 nghìn người, trong đó đưa hơn 17 nghìn người đi lao động nước ngoài. Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt sơ tán nhanh, an toàn hơn 10 nghìn lao động từ Libya về nước; đồng thời hỗ trợ ban đầu 1 triệu đồng/người.

Đặc biệt, trước áp lực giá cả tăng cao, các thành viên Chính phủ nhất trí cao chủ trương sẽ triển khai trợ cấp khó khăn đột xuất cho người thu nhập thấp, các DNNVV.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết 02, Nghị quyết 11 của Chính phủ. Kinh tế - xã hội đất nước bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực; công, nông nghiệp, dịch vụ có bước tăng trưởng đáng khích lệ; lạm phát đang được kiềm chế; an sinh xã hội được quan tâm hơn. Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương: Trong khi ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô phải chú ý duy trì tăng trưởng sản xuất ở mức hợp lý.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; khuyến khích tiết kiệm trong toàn bộ nền kinh tế, trong sinh hoạt và đời sống nhân dân; tổ chức tốt thực hiện qui định tiết kiệm 10% chi thường xuyên; kiên quyết rà soát, cắt giảm đầu tư công, các công trình chưa cấp bách, kém hiệu quả.

Đảm bảo điện cho sản xuất; kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, ngăn chặn tình trạng phao tin, tăng giá, thổi phồng lợi nhuận, tạo làn sóng đầu cơ mới, dẫn đến thu hút nhiều nguồn vốn trong dân và các doanh nghiệp vào lĩnh vực không khuyến khích sản xuất, kinh doanh, đồng thời gây khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư.

Tăng cường công tác quản lý thị trường, bình ổn giá cả; chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm hơn đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và người làm công ăn lương; công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Các bộ, ngành địa phương chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông; kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân; các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin tuyên truyền củng cố niềm tin và sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Chiều 30-3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tóm tắt những nội dung chính của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2011. Ðại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo chung quanh các vấn đề được dư luận quan tâm như: kiểm soát giá cả, tăng giá xăng dầu, lãi suất, ngoại hối,..

Dương Sơn