Ước mơ từ núi đá tai mèo, đã thành sự thật…

Những ngày đóng quân trên điểm cao ở Vị Xuyên, những con dốc cao hụt hơi khi đi cõng nước về bếp ăn nuôi quân, những ngọn núi đá tai mèo với thời tiết khắc nghiệt, vùng đất ấy khó có một loại cây trái nào có thể sinh sống được. Qua những năm tháng tăng gia sản xuất trồng rau xanh trên vùng đất đóng quân ấy, anh lính trẻ (nông dân) Dương Quang Thông, đã từng ấp ủ ước mơ sẽ lập nghiệp bằng trồng trọt với “tay nghề nông dân” đã được trui rèn bản lĩnh trong những tháng năm quân ngũ!

Quê Thông ở vùng đất Vĩnh Phúc, anh vào bộ đội năm 1988 đóng quân trên mảnh đất địa đầu của tổ quốc (Vị Xuyên – Hà Giang). Nơi đây, chiến sự mới vừa đi qua, dấu vết của chiến tranh vẫn còn đó, những hố pháo, dấu vết của đạn còn hằn lên trên những ngọn đồi, những vách đá...  

Đầu năm 1992, thi hành xong nghĩa vụ anh xuất ngũ về lại quê nhà. Việc đầu tiên anh nghĩ đến là phải đi tìm một vùng đất mới để lập nghiệp. Thế nhưng, bố mẹ “bắt” anh phải cưới vợ rồi đi đâu thì đi! Vâng lời bố mẹ, anh cưới cô bé hàng xóm mà ngày xưa khi anh đi bộ đội cô ấy tròn 16 đã đưa  tiễn anh…

Cưới nhau được vài tháng, tiền mừng cưới của họ hàng được vài chỉ vàng, hai vợ chồng Thông-Nhung quyết định đi vào Tây Nguyên lập nghiệp. Theo đoàn người ở cùng làng, dắt díu nhau Thông-Nhung cùng lên xe ca của xã bố trí vào năm 1993. Những tháng ngày đầu nơi miền đất mới, đất đai màu mỡ, bất kỳ hạt giống gì cứ bỏ xuống chạm đất là lên tươi tốt ngay!. Vợ chồng Thông-Nhung không ngại nắng mưa, cùng nhau cày xới trên mảnh đất vài sào ban đầu tạo dựng được. Trời đất không phụ lòng người chí thú làm ăn. Chỉ sau vài năm trồng trọt các loại cây ngắn ngày như: các loại rau quả củ phục vụ bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, thu hoạch nhanh bán theo thời vụ, công chăm bón nhẹ, không thuốc, không phân bón, mà thu hoạch nhanh lại có lợi nhuận cao. Tiền dành dụm được qua từng  mùa vụ tăng lên nhanh chóng, mỗi tháng Thông-Nhung cũng bỏ túi được đôi chục triệu sau khi lo ăn uống cho cả gia đình.

Nhiều năm liền anh luôn được tặng nhiều bằng ,giấy khen của Hội CCB và Hội doanh nhân tỉnh Bình Phước

Đến năm 2004, Nhung-Thông đã có 15 héc ta đất rẫy trồng cây lâu năm có lợi nhuận cao như: Sầu riêng, Cao su, Cà phê, Điều… Thông trồng thêm rau lang, chuối để chăn nuôi bầy heo 30 con và gà vịt… Thông đăng ký theo học lớp kiến thức về các loại thuốc bảo vệ thực vật, của tỉnh mở hỗ trợ cho nông dân. Nhung thì năng động hơn nữa, khi mở thu mua nông sản tại nhà. Cái gì bà con nông dân thu hoạch bán, Nhung đều mua và đi chạy chợ tìm đầu ra để tiêu thụ. Chỉ non chục năm thôi, Nhung Thông đã có được một số vốn kha khá vài tỷ đồng, 2 vợ chồng mở rộng cửa hàng phân bón và thuốc bảo vệ thức vật cung cấp cho bà con quanh vùng. Anh chị và bà con cũng gặp thời là thời điểm ấy, giá cả các loại nông sản như cà phê, tiêu, sầu riêng… đều tăng giá và ổn định một thời gian khá lâu.

Khi tiền tỷ đã có trong tay, anh chị mạnh dạn đầu tư vào bất động sản. Bà con cần sang nhượng đất để thêm tiền cho con cái ăn học, anh cũng mua để dành. Những người đến tìm mua đất lập nghiệp thì anh lại bán. Qua vài năm, kinh nghiệm tích lũy nhiều và vốn liếng cũng tăng lên, Thông Nhung lại mua đất, nhà ở Bến Cát – Bình Dương để đầu tư. Chí thú và cần cù làm ăn, biết tích lũy, khi tôi hỏi Thông cũng thành thật trả lời: Nhờ may mắn và mọi việc thuận lợi, nên vợ chồng bọn em cũng có tài sản là đất đai và nhà cửa ở nhiều nơi, nếu tính ra cũng được vài mươi tỷ! Thông cũng nói thêm: cũng một tay vợ em dựng nên cơ nghiệp này, cô ấy (Nhung) giỏi và rất quyết đoán. Việc gì cổ cũng làm không nề hà và đã làm là làm đến nơi đến chốn!

Căn nhà và nơi kinh doanh của vợ chồng Thông- Nhung

Nhìn cơ ngơi nhà cao cửa rộng của Thông, nhiều người thán phục sự chịu khó làm ăn của đôi vợ chồng anh. Dương Quang Thông là một gương CCB làm giàu, “sản xuất và kinh doanh giỏi” của Hội CCB huyện Bù Đăng. Nhiều năm liền, Thông đều nhận bằng, giấy khen của Tỉnh, Huyện.  Tình làng, nghĩa xóm hỗ trợ bà con nghèo trong mùa dịch, vợ chồng Thông Nhung luôn là một địa chỉ có nhiều đóng góp cho địa phương nơi mình lập nghiệp.

Hai vợ chồng Nhung-Thông có đươc 3 con trai. Cháu đầu đã ba mươi tuổi có vợ hai con, tiếp bước theo con đường sản xuất kinh doanh của bố mẹ. Trai giữa sinh năm 2000 đang học đại học Tôn Đức Thắng – TPHCM, con trai út nay đang học lớp 7 gần nhà. Nhìn đôi vợ chồng “lên đồ” chuẩn bị đi ăn cưới ở nhà bạn bè là đồng đội một thời, tôi nhìn thấy nơi đôi mắt Thông ánh lên niềm tự hào và hạnh phúc viên mãn…

Lê Thanh Hoàng