Nâng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia: Cơ hội cho giảm nghèo bền vững
Hội CCB tỉnh Quảng Ngãi tổ chức trao tặng bò giống nhằm hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Đức Phổ.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2020 ngày 29-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ LĐTBXH xây dựng.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia.
Với nguồn lực được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 hơn 93.000 tỷ đồng, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Tuy nhiên để giảm nghèo bền vững vẫn cần sự vào cuộc sát sao của cơ sở, nhất là ở các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2.75%. Chỉ tính riêng 2016-2019: giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.
Để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn cải thiện đời sống, hiện nay 6 tỉnh, thành phố đã xây dựng mức chuẩn nghèo riêng, cao hơn chuẩn quốc gia như: T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các chương trình giảm nghèo đã nâng cao thu nhập và cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 2,3 lần giai đoạn 2016-2020. Các chương trình hỗ trợ hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; tổng kinh phí thực hiện là 8.000 tỷ đồng. Hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được dạy nghề, tạo việc làm…
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn; nhiều địa bàn nghèo đã nỗ lực thoát nghèo, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến nay, có 32 huyện nghèo, 103 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 550 xã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
T.Ư MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã nỗ lực của mỗi cá nhân tạo nên phong trào thi đua giảm nghèo trên phạm vi cả nước. Những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày một nhiều như: 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; 51 hộ ở vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; 25 hộ tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình… Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo ấn tượng như các huyện Si Ma Cai, Mường Khương (tỉnh Lào Cai); huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái); huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam)…
Để xác định, nhận diện chính xác hơn, toàn diện hơn hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều và đối tượng khác thụ hưởng các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ có chủ trương xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025, dự kiến ở mức 1,5 triệu đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/người/tháng khu vực thành thị (chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 tương ứng 700.000 và 900.000 đồng/người/tháng). Dự kiến số hộ thuộc diện nghèo cả nước sẽ tăng lên gần 2,5 lần hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 16% dân số.
Trước tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư, các Bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau” để bảo đảm là một trong 4 phong trào trọng tâm trong Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: Mỗi xã, phường, mỗi thôn bản xây dựng “Mô hình giảm nghèo tiêu biểu” phù hợp với địa phương mình với cách làm sáng tạo hơn nữa. MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội chung tay vì người nghèo; đẩy mạnh công tác giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát duy dân chủ và nội lực của người dân.
Hồ Thanh Hương