Cha tôi
Thiếu tướng, GS.TS. TTND. Anh hùng LLVTND Phạm Gia Triệu
Cha tôi là Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng LLVTND Phạm Gia Triệu. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam Khóa VI - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, được bầu vào ngày 25-4-1976.
Cha mẹ tôi có bốn người con, đều là trai và đều sinh ra ở chiến khu Việt Bắc. Tôi là con út, sinh ngày 13-8-1954 tại xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, là nơi thành lập Bệnh viện T.Ư Yên Trạch - Phân viện 8 giai đoạn 1951-1954.
Từ năm 1955-1960, cha tôi đi học ở Liên Xô. Năm 1965, khi tôi lên 11 tuổi thì đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, ném bom, bắn phá miền Bắc; tôi vào Trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi cho đến năm 1970. Từ năm 1971-1978, tôi học tại Trường đại học Quân y… Vậy là, tôi sống xa cha mình từ ngày con bé.
Thập niên 1980, đất nước phải căng mình ra bởi chiến tranh ở biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Bởi vậy, kinh tế khó khăn là mối lo toan hiện hữu hằng ngày trong mỗi gia đình. Mẹ tôi bị bệnh khớp, không tự lo sinh hoạt cho bản thân được. Năm 1987, gia đình riêng của tôi lại có sự mất mát to lớn - vợ tôi mất trong tai nạn rơi máy bay quân sự. Rồi ngày 13-6-1990, cha tôi mất do bệnh tật. Khi con cái thành đạt, đời sống khá giả hơn thì cha mẹ đã mất; càng nghĩ càng thương các Cụ. Từ ngày tham gia Cách mạng (tháng 11-1945) cho đến ngày mất, có thể nói, cha tôi chưa được hưởng thư thái, an nhàn để ôn lại các kỷ niệm của cuộc đời mình.
Các bài báo của bạn bè cha tôi và các nhà báo viết sau khi cha tôi mất, giúp anh em tôi hiểu về ông hơn; hiểu tình cảm bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp dành cho ông.
Sinh thời, dịp giỗ tết, cha tôi hay kể chuyện về quê hương, tuổi thơ của ông.
Theo lý lịch, cha tôi sinh ngày 15-1-1918, nhưng ông nói ông tuổi Thìn; do đi học muộn, nên phải khai bớt tuổi. Tôi nghĩ chắc ông sinh ngày 15-1 nhưng năm 1917, trước Tết Đinh Tỵ, năm âm lịch vẫn là năm Bính Thìn.
Nơi chôn nhau cắt rốn của cha tôi là làng Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định - quê hương của nhiều nhà nho, sĩ phu yêu nước. Trong gia đình, cụ nội cha tôi là cụ Phạm Ngọc Chất, đỗ Cử nhân năm Giáp Tuất 1874, làm quan Tri phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa; ông nội cha tôi là Phạm Ngọc Đoan, đỗ Phó bảng năm Tân Sửu 1901 (cùng năm với cụ Phan Chu Trinh), làm quan giáo thụ nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Cụ Phạm Ngọc Đoan có tiếng là người học rộng, thông minh, cương trực.
Trong một chuyến đi vào Thanh Hóa, do nhiễm dịch tả, ông nội tôi qua đời. Bà nội tôi săn sóc ông nội và cũng mất sau đó.
Mồ côi cha mẹ từ bé, cha tôi được họ hàng đùm bọc nuôi dưỡng. Lúc còn nhỏ, ông bắt đầu học chữ nho tại làng. Cha tôi được chú ruột là ông Phạm Tư Tề - dược sĩ Đông Dương, một nhân sĩ yêu nước nuôi cho ăn học. Học xong cấp hai ở Nam Định, ông lên Hà Nội, vừa đi làm thêm vừa học hết Tú tài.
Mang trong lòng niềm tiếc thương cha mẹ, mong muốn chữa bệnh cứu người, cha tôi đã theo học nghề thuốc ở Khoa Y, Trường đại học Đông Dương. Do hoàn cảnh gia đình nên ông đã nỗ lực rất nhiều để học giỏi, thi đỗ điểm cao. Ông kể: Khi mới lên Hà Nội, ở trường con nhà giàu mùa hè mặc complet vải Đũi, mùa đông mặc đồ len dạ, đi giày Tây; còn ông vẫn mặc áo the, đi guốc. Gia đình mẹ tôi - bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, là gia đình khá giả ở Thịnh Hào, Hà Nội, đã giúp đỡ ông rất chân tình.
Năm 1943, ông được công nhận là Sinh viên Nội trú dự bị (externe) của các bệnh viện ở Hà Nội, chủ yếu là Bệnh viện Yersin (hay Bệnh viện Phủ Doãn - Bệnh viện Việt - Đức ngày nay) và Bệnh viện De Lanessan (hay Bệnh viện Đồn Thủy, nay là Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị).
Tháng 8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Lúc đó, cha tôi đang học nội trú ở Bệnh viện De Lanessan. Theo quyết định của Chính phủ, ông được công nhận tốt nghiệp bác sĩ y khoa.
Tháng 11-1945, cha tôi tình nguyện nhập ngũ vào quân y, làm Trưởng ban Quân y Đông Triều (cơ sở quân y đầu tiên của Đệ tứ Chiến khu), sau này là Quân y Trung đoàn 98. Từ đó cho đến năm 1949, ông trụ lại với Chiến khu lịch sử này.
Theo cha tôi kể lại thì trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những năm ông ở Chiến khu Đông Triều là thời gian khó khăn gian khổ nhất. Vừa mới từ bỏ cuộc sống đầy đủ ở Hà Nội của bác sĩ nội trú, lên rừng núi chiến khu, đã gặp bao khó khăn, thiếu thốn, giặc càn quét; có khi tưởng như bị gặc Pháp bắt. “…Tháng 3-1947, địch tấn công đường 18, Bệnh xá đang ở làng Đại Bộ gần Chi Ngãi. Mới sáng địch đã vây ráp. Anh Triệu cho anh em rút vào sâu. Vợ anh mới sinh cháu chưa đầy cữ. Vai đeo ba lô, tay bế cháu bé, anh cùng anh em luồn rừng; trên trời máy bay bà già vẫn ầm ĩ nhòm ngó. Vùng mỏ với những địa danh nghe thấy đã ớn lạnh: Dá Cóc, Sà Túi, Hồ Sến, Hố Dải, nơi Bệnh xá bị đốt phá. Thế mà bệnh nhân và nhân viên, thuốc men vẫn an toàn. Đức bình tĩnh của anh Triệu và rừng sâu đã bảo vệ được lực lượng ta” (B.s Trần Trọng Vực: “Người Thầy thuốc Nhân dân kiên cường, tận tụy và tài năng”- Tạp chí YHQS, số 1- 1993).
Trong trận càn đó, có lúc mẹ tôi phải bịt miệng đứa con mới sinh - anh cả tôi, vì sợ con khóc, địch nghe thấy. Toàn bộ tài sản mang ra kháng chiến của cha mẹ tôi gói gọn trong một cái vali cũng bị mất.
“Giữa lúc ấy, lá thư chiêu hồi của sếp bốt Đông Triều bí mật đến tay anh Triệu. Phía Pháp chắc mẩm sẽ đón được ông đốc tờ trẻ, học trò yêu của quan sáu giáo sư thạc sĩ Huard. Anh Triệu, chị Nhung đã mau chóng có thái độ dứt khoát báo cáo lên chỉ huy trung đoàn. Cuộc sống yên bình, giàu sang, đầy danh vọng không khuất phục nổi anh. Tấm bằng thạc sĩ y khoa mà lá thư hứa hẹn không lay chuyển nổi anh” (Trần Nghiêm: “Lá thư chiêu hồi và tấm lòng kiên định” - đặc san Sự kiện và Nhân chứng, số 28, tháng 4-1996).
Sau này, trong cuộc sống khó khăn, đám trẻ chúng tôi thường ao ước các món quà từ nước ngoài gửi về cho gia đình. Họ hàng cha tôi có nhiều người sống ở Pháp. Khi tôi hỏi: Sao cha không sang Pháp sống cho sướng? Ông trả lời: Theo cách mạng, vì không chịu được cảnh Tây làm nhục dân mình.
Tháng 7-1949, cha tôi được điều lên làm Hiệu trưởng Trường Y tá trưởng (Bắc Giang); Viện trưởng Viện Thực hành, giảng viên Trường Quân y sĩ (Vô Tranh, Thái Nguyên).
Tháng 5-1950, cha tôi được kết nạp Đảng; cũng trong năm đó, ông được cử làm Đội trưởng đội điều trị, đi phục vụ trận đánh Đông Khê và suốt chiến dịch Biên Giới. Ông được Bác Hồ gửi thư khen và được tặng thưởng Huân chương.
Năm 1952, Phân viện 8 (tiền thân của Bện viện T.Ư Quân đội 108) phát triển quy mô lớn hơn, số giường bệnh tăng từ 100 lên 250, ông được điều động làm Phân viện trưởng (12.1952 - 2.1954). Đầu năm 1954, ông được điều tăng cường cho Đội điều trị 1 là Đội điều trị tiền duyên của Mặt trận Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cùng bác sĩ Bộ trưởng Bộ Thương binh Vũ Đình Tụng, cha tôi tham gia chỉ đạo kỹ thuật mổ cho các cơ sở cấp cứu.
Hòa bình lập lại, tháng 7-1954, cha tôi được cử sang Liên Xô học về phẫu thuật thần kinh tại Viện Phẫu thuật Thần kinh mang tên nhà ngoại khoa Xô viết nổi tiếng - Burdenko. Trong ngoại khoa, phẫu thuật thần kinh là chuyên ngành khó, đòi hỏi đào tạo thời gian dài và lúc đó Việt Nam chưa có chuyên ngành này. Ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đề tài “U nhú đám rối màng mạch não thất IV”.
Về nước, cha tôi được giao làm Viện phó ngoại khoa Viện quân y 108 kiêm Chủ nhiệm bộ môn Ngoại của Trường sĩ quan Quân y (5-1960), chuyên viên đầu ngành Ngoại khoa quân y (1976). Ông giữ các chức vụ: Phó chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam và Phó chủ tịch Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam.
Cha tôi đã chủ trì xây dựng ngành Phẫu thuật Thần kinh trong Quân đội. Ông viết nhiều tài liệu chuyên ngành để giảng dạy cho các bác sĩ. Năm 1963, Nhà xuất bản Y học xuất bản cuốn sách “Chấn thương thần kinh” của ông - cuốn sách giáo khoa đầu tiên về phẫu thuật thần kinh.
Cùng với tập thể các bác sĩ quân y, cha tôi đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị về dị dạng mạch máu não, vết thương sọ não do bom bi, áp xe não do vết thương hỏa khí… Đặc biệt, ông chủ biên cuốn sách “Điều lệ xử lý vết thương chiến tranh” - kim chỉ nam cho các bác sĩ trong xử trí vết thương trong cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc. Ông được nhận giải thưởng Nhà nước năm 2000 về khoa học công nghệ với đề tài: “Bảo đảm quân y Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh cứu nước và giữ nước”.
(còn nữa)
Thiếu tướng, PGS. TS. TTND Phạm Hòa Bình - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108