Cựu binh Trường Sa nỗ lực trở thành họa sĩ

Đến thành phố cổ Hội An (Quảng Nam), được đồng đội trong Ban liên lạc Truyền thống Bộ đội Trường Sa Hội An, đưa chúng tôi đến thăm phòng tranh vẽ sơn dầu của cựu binh (CB) Hồ Tấn Hiệp, ở phường Cửa Đại, nơi có biển xanh hiền hòa và bờ cát trắng rất nên thơ. Thật ý nghĩa, bởi bắt gặp ngay CB Hải quân Hồ Tấn Hiệp đang say mê vẽ tấm ảnh về Bác Hồ và vô số bức ảnh vẽ phong cảnh quê hương đất nước, về phố cổ Hội An, những con tàu, thuyền thúng mang tên Trường Sa…

Cựu binh Võ Văn Gần, Trưởng ban liên lạc Truyền thống Bộ đội Trường Sa (đảo Trường Sa Đông) ở Hội An chia sẻ: Năm 1985, Hồ Tấn Hiệp nhập ngũ ở tuổi tròn 18 và được biên chế vào Lữ đoàn 126 Hải quân, đơn vị đóng quân tại Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), sau 3 năm quân ngũ, trở về với đời thường, tại thời điểm đó anh và gia đình gặp vô vàn gian khó. Ở biển nhưng cha con anh Hiệp phải lên rừng mưu sinh, cuộc sống vẫn rất khó khăn, lại lâm bệnh sốt rét liên miên, lâu ngày dẫn đến suy sụp sức lực và tinh thần…Những lúc ấy tôi và Hiệp cứ thẫn thờ bên nhau dạo trên bờ cát bãi trắng nhìn ra biển xa xăm, rồi cùng ước ao sao cho mình có được việc làm giúp gia đình vượt khó. Bỗng Hiệp reo lên “Tôi sẽ vẽ tranh…”. Thế là cậu ta bắt tay ngay vào công việc như dựng tạm “lều vẽ”, vay tiền mua sắm bút, mực…Hiệp say mê vẽ ảnh Bác Hồ, phố cổ quê nhà Hội An, về biển đảo quê hương…Nhìn những sản phẩm đầu tay của đồng đội, tôi như vui lây và có một niềm tin mãnh liệt vào sự thành công của đồng đội. Nhưng cũng tò mò tìm hiểu sao cậu ấy lại vẽ đẹp như thế? Thì ra vốn có năng khiếu môn vẽ thời học phổ thông, nhưng mấu chốt nhất lại chính là thời gian 3 năm trong quân ngũ, ở đó cậu ấy được thỏa sức rèn vẽ, tự hoàn thiện mình. Những công việc của đơn vị như trang trí các tờ báo tường, vẽ pano, biển hiệu…là cậu ấy “bao tất”…

Cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế đất nước và của địa phương. Đặc biệt, nhiều năm qua Hội An trở thành tâm điểm của du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Cùng với đó ngày càng có nhiều khách muốn mua tranh sơn dầu của Hiệp, hay đặt hàng vẽ, sao chép lại trân dung…thấy cha làm ngày đêm vất vả, cậu trai cả Hồ Tấn Hòa liền “chia lửa” cùng cha và cứ thế, hai cha con bền bỉ “truyền nghề” cho nhau mà chưa kịp theo học trường lớp vẽ nào! Nhưng bây giờ du khách đến Hội An, nhất là các CB Trường Sa đều muốn đến thăm phòng tranh của hai cha con họa sĩ thực thụ.

Tiếng lành đồn xa, một hôm bỗng xuất hiện người đàn ông cùng trang lứa ghé thăm phòng tranh, không thấy có ảnh vẽ trên áo dài Việt Nam, nhưng ông ấy lại hỏi Hiệp có vẽ được không? Tự tin vào chính mình, Hiệp khẳng định sẽ quyết tâm thử vận may. Cuối cùng, nhờ ý thức lao động nghiêm túc, ham học hỏi và sáng tạo trong nghệ thuật, những chiếc áo dài của CB Trường Sa, cùng với con trai Hồ Tấn Hòa đã được Nhà thiết kế áo dài, ông Đinh Văn Thơ chọn và tổ chức trình diễn trong đêm hội hoành tráng, đa sắc màu tại TP.HCM - năm 2016.

“Trong đêm hội lớn trình diễn áo dài Việt Nam năm 2016, khi người mẫu Việt Nam Trương Thị May mặc bộ áo dài do tôi vẽ bước ra sân khấu, bỗng tim tôi đập nhanh, cảm giác trong lòng thật hạnh phúc, lúc được mời lên sân khấu chia sẻ, tôi run quá chỉ biết nói lời cảm ơn anh Đinh Văn Thơ và mọi người đã cho tôi một trải nghiệm tuyệt vời và từ đây tôi tự tin là họa sĩ vẽ trên áo dài Việt Nam”: Hồ Tấn Hiệp vẫn còn cảm giác bồi hồi chia sẻ./.

Giờ đây cuộc sống của gia đình CB Trường Sa Hồ Tấn Hiệp đã ổn định, cha con tạm sống được bằng nghề vẽ tranh sơn dầu. Đồng đội không chỉ chúc mừng mà còn cảm phục anh họa sĩ luôn thể hiện cốt cách giản dị, lối sống đầy ắp nghĩa tình của người CB Trường Sa, thường xuyên có những đóng góp vào Qũy nghĩa tình đồng đội. Đặc biệt, anh đã hướng cho con trai cả Hồ Tấn Hòa (sinh 1990), nhưng đã vững nghề bên cha và là một Đảng viên với 6 năm tuổi đảng, hiện là Bí thư đoàn khối ở địa phương. Là hội viên tích cực trong BLL Truyền thống Bộ đội Trường Sa Đông TP.Hội An, nhiều năm qua, ở đâu có cuộc gặp mặt của các CB Trường Sa là anh liền gác bút vẽ, cẩn thận đeo lên ngực mình chiếc huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa và lên đường, vì ở đó anh được gặp lại những người đồng đội chung một tình yêu biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

                                                                                 Công Thi