Năm 2021, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia và các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các lực lượng chức năng tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông” ngay khi được ban hành.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tại Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020; Năm an toàn giao thông 2020 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra đối với các địa phương, đầu mối giao thông trọng điểm về TTATGT trong các dịp cao điểm, lễ, Tết và kiểm tra các địa phương có tình hình TTATGT phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao; triển khai các chuyên đề về bảo vệ hành lang ATGT, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, kiểm soát tải trọng phương tiện…

Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ và siết chặt quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành, cầu Mỹ Thuận 2; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án nâng cấp đường sắt quốc gia; các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hiện hữu, xử lý dứt điểm, kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh; xây dựng đường gom, xoá lối đi tự mở theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo không còn lối đi tự mở qua đường sắt trước năm 2025; kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT do Ban ATGT các địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông, các cơ quan báo chí và người dân phát hiện và kiến nghị.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải; khẩn trương ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát và tự động đánh giá, sát hạch cấp Giấy phép lái xe, lái tàu, chứng chỉ thuyền viên, người lái; nâng cấp hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, đảm bảo kết nối, chia sẻ với ngành Công an và các Sở Giao thông vận tải.

Tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ gây TNGT cao

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nâng cao hiệu lực, hiệu quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT, tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ gây TNGT cao như: lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn, ma tuý; quá tốc độ; sử dụng điện thoại di động; chở hàng hoá quá tải trọng phương tiện và hạ tầng; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; không mặc áo phao khi đi đò ngang hoặc phương tiện thuỷ gia dụng. Tiếp tục mở rộng lắp đặt camera hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông và kết nối với camera bảo đảm an ninh trật tự trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường chính trong đô thị, các địa điểm phức tạp về TTATGT.

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị ngành Giao thông vận tải, Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức diễn tập nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó và giải quyết TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy nội địa.

Bộ Y tế triển khai tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT cho cán bộ y tế cấp xã, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Công an xã, dân quân tự vệ và đội ngũ tình nguyện viên bảo đảm ATGT tại cơ sở; tổ chức kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc; tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế toàn quốc thực hiện kiểm tra chất ma tuý và nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện vào cấp cứu do TNGT; phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra giao thông vận tải để kiểm tra chất ma tuý đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Xây dựng và tổ chức Kế hoạch bảo đảm TTATGT năm 2021

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí kinh phí xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, hạn chế tối đa phát sinh các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT thuộc phạm vi quản lý; đồng thời phát hiện, đề xuất Bộ Giao thông vận tải xử lý đối với các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ trên địa bàn. Gắn trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể trong việc để xảy ra TNGT tại các điểm đen đã phát hiện mà chưa kịp thời xử lý, xóa bỏ; hoặc không đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý điểm đen trên địa bàn, dẫn đến TNGT.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm ATGT điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; xử lý dứt điểm và không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông; đầu tư phát triển, khuyến khích nhân dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; kiên quyết, kiên trì lập lại trật tự hành lang ATGT, lòng, lề đường, hè phố.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Công điện số 1711/CĐ-TTg ngày 07/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021. Đặc biệt, lưu ý việc công bố và duy trì trực ban 24/24h trong ngày số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị có chức năng tiếp nhận và xử lý thông tin về TTATGT. Các cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là lực lượng chức năng phải gương mẫu trong thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT, cương quyết xử lý các hành vi vi phạm; đấu tranh, trấn áp đối với hành vi cố tình chống đối người thi hành công vụ./.

VPCP