Nhân rộng, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước tới mọi tầng lớp nhân dân
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại đại hội.
Sáng 10-12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội. Đại hội có chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó nêu rõ, “công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng”.
Để công tác thi đua khen thưởng thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Đây là tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược của Đảng ta, là một phương thức tổ chức công việc hết sức hiệu quả.
Ôn lại lịch sử từ ngày đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự thành công của công cuộc kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong hơn 70 năm qua đã khẳng định giá trị đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta về thi đua yêu nước. Có thể nói mọi thành quả cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua ái quốc luôn luôn phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, đổi mới về nội dung, phương pháp, đã cổ vũ động viên cả dân tộc nỗ lực thi đua, thể hiện lòng yêu nước, vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc kháng chiến cũng như đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Trong 5 năm qua, đất nước ta đối mặt với nhiều thời cơ nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai bão lũ đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội nhưng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua đã bám sát thực tiễn, thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các ngành, các cấp, các địa phương đã có các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực… Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, trên mọi miền Tổ quốc. Có thể khẳng định, phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Công tác tuyên truyền đã góp phần không nhỏ vào đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến…
Ghi nhận những kết quả quan trọng trong các phong trào thi đua yêu nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, cần thừa nhận công tác thi đua khen thưởng còn một số hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là còn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả. Việc tuyên truyền, tổ chức, học tập và áp dụng mô hình mới còn ít được quan tâm. Công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa được kịp thời, khen thưởng cho công nhân, nông dân những người lao động trực tiếp còn chưa nhiều, nhất là các hình thức khen thưởng bậc cao. Tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ở một số đơn vị còn chưa thực hiện tốt công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát và thực hiện công tác thi đua khen thưởng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Những hạn chế này cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp nhất là người đứng đầu các tỉnh, chính quyền, cơ quan, tổ chức và những cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng cần suy nghĩ và đề cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu và tổ chức thực hiện để từ đó đưa công tác thi đua khen thưởng thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng, một công cụ quản lý của Nhà nước và động lực để xây dựng con người mới.
Để phong trào thi đua yêu nước ngày càng nhân rộng, lan tỏa tới mọi tầng lớp nhân dân, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới cần hướng tới cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng các cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư-thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất tiêu dùng… để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Thống nhất với các chủ trương giải pháp đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đưa ra trong báo cáo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư tưởng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong triển khai công tác thi đua khen thưởng; đề cao trách nhiệm lãnh đạo tổ chức thực hiện công tác thi đua khen thưởng của các thành viên hội đồng thi đua khen thưởng.
Các phong trào thi đua cần được tổ chức có mục tiêu thiết thực, phù hợp, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của từng bộ, ban, ngành, từng địa phương cơ quan, đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động những phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, tích cực đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho bổ ích, thiết thực, tránh hình thức…
Đối tượng thi đua cần rộng rãi, bảo đảm hài hòa các lợi ích. Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia đông đảo, hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục nêu gương. Cùng với đó cần tăng cường phát hiện các điển hình tiên tiến để động viên, khen thưởng kịp thời. Khen thưởng phải phù hợp với thành tích kết quả đạt được.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua; phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng phát hiện tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt việc tốt nhằm thúc đẩy cổ vũ phong trào thi đua yêu nước góp phần tạo động lực thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, sau đại hội, hơn 2.000 đại biểu là điển hình tiên tiến, Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt các phong trào thi đua yêu nước tại cơ quan, địa phương, đơn vị để những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt nhanh chóng được lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng xã hội.
Phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng
Phát biểu khai mạc đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương khẳng định, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, bao gồm cả những cống hiến và hy sinh thầm lặng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi hình thức xã hội.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, so với các kỳ đại hội trước, số lượng đại biểu về dự đại hội lần này là đông nhất, điều này thể hiện phong trào thi đua yêu nước ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, những tấm gương thi đua điển hình của nước ta ngày càng nhiều.
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng, với nhiều nội dung phong phú, hình thức sinh động, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. “Chúng ta thấy nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ người chiến sĩ lực lượng vũ trang đến người già, trẻ nhỏ đều có tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, bệnh tật diễn ra. Chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, tâm phục”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các phong trào thi đua góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; khơi dậy được tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí mạnh mẽ khát vọng hùng cường của dân tộc ta. Thi đua giờ đây trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Tinh thần thi đua vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực rất lớn và tinh thần quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn hiện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc. Liên tiếp trong 4 năm (2016-2019), chúng ta đã thi đua, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế, xã hội đề ra. Năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử 100 năm gần đây của nhân loại, khi đại dịch Covid-19 gây ra những tác động lớn đến kinh tế và xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, hòa quyện giữa ý Đảng và lòng dân, chúng ta đã thi đua và giành thắng lợi trong việc thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị rơi vào suy thoái sâu, Việt Nam là nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương. Dịch Covid-19 được kiểm soát, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Thủ tướng cũng cho rằng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, đó là: Không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua.
“Trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Thi đua là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự làm mới mình, luôn nỗ lực ngày thêm tiến bộ, tự giác vươn lên giành lấy thành quả mới trong lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng Ban tổ chức đại hội cho biết, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng trong cả nước với nội dung và hình thức ngày càng đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển sâu rộng, nhất là từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; thực hiện lời dạy của Bác “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước đã ra sức thi đua phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, kiểm soát được đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt trong phong trào thi đua của cả nước, được các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia. Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiên tiến. Theo Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, thời gian qua, công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, hướng về cơ sở; quan tâm khen thưởng đối với tập thể nhỏ, tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, chiến đấu...
Trong khuôn khổ chương trình đại hội cũng đã diễn ra giao lưu, tôn vinh điển hình tiên tiến, đại diện Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - những gương mặt tiêu biểu trong số hơn 2.000 điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020, những con người Việt Nam có thành tích nổi bật và đóng góp to lớn cho xã hội.
Tại đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025 với chủ đề: "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", trong đó, tập trung vào những lĩnh vực, nội dung: Thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước... khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
BĂNG CHÂU-TRỌNG HẢI