Báo cáo “đẹp”
Kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng ở huyện An Lão, Bình Định.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thứ XIV đã khép lại, nhưng ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trên diễn đàn Quốc hội, chỉ ra những số liệu không chính xác, giữa các năm của một số tỉnh Tây Nguyên trong báo cáo về diện tích rừng tự nhiên “đã tăng 1,3 triệu héc-ta sau 30 năm…” dường như vẫn cứ văng vẳng bên tai nhiều cử tri!
Tình trạng báo cáo “đẹp” - báo cáo thành tích quá lên - của không ít địa phương trong những năm gần đây chắc chắn là không chỉ ở lĩnh vực trồng rừng và bảo vệ rừng, dẫn đến công tác thống kê ở tầm quốc gia không còn chính xác, kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Mà Bài học nhãn tiền gần đây là số liệu thống kê sai dịch tả lợn châu Phi, đã làm Chính phủ lúng túng trong kiềm chế giá thịt lợn, vừa gây tổn thất cho ngân sách, vừa ảnh hưởng đến niềm tin trong nhân dân.
Thịt lợn là mặt hàng sát sườn với đời sống hằng ngày của người dân, nên gian dối trong báo cáo dễ bị đưa ra ánh sáng. Phá rừng tự nhiên cũng vậy, nếu không có cơn lũ lịch sử vừa qua; không có một diễn đàn Quốc hội nói thẳng nói thật; chất vấn các “Tư lệnh ngành” đến cùng, thì con số 1,3 triệu héc-ta rừng tự nhiên vẫn tiếp tục đánh lừa các nhà quản lý.
Nghĩa là trong thực tế chắc chắn còn rất nhiều báo cáo không thật, nhất là ở những lĩnh vực công khai hẹp. Và hậu quả thật khôn lường. Vì càng những lĩnh vực phải công khai hẹp càng mang tầm chiến lược, ảnh hưởng sâu trong quốc kế dân sinh…
Mục đích của báo cáo “đẹp” thì đã rõ. Còn nguyên nhân để Báo cáo “đẹp” tồn tại, lọt lưới là do cán bộ mình đã “ngại” đi cơ sở, lại lười đọc - lười đọc cả báo cáo, trong khi trợ lý giúp việc của “thời đại công nghiệp 4.0”, của “cơ chế thị trường” thì hoàn chỉnh báo cáo trên in-tơ-nét!
Nguy thật, nếu không chấn chỉnh.
Huy Thiêm