2.020 đại biểu chính thức dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên trù bị đại hội.

Sáng 9-12, tại Hà Nội, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X đã tiến hành phiên trù bị thông qua quy định của đại hội, báo cáo tình hình đại biểu và chương trình đại hội...

Dự phiên trù bị đại hội có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Tổng số đại biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là 2.300 đại biểu, gồm: 280 đại biểu khách mời; 2.020 đại biểu chính thức, được thành lập thành 133 Đoàn đại biểu. Trong số 2.020 đại biểu chính thức có: 133 đại biểu là Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại biểu là cá nhân và đại diện tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ là 118 đại biểu, chiếm 5,8%; trong đó, được phong tặng từ năm 2016 đến nay là 83 đại biểu.

Các đại biểu dự đại hội.

Đại biểu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc được lựa chọn dự đại hội từ năm 2016 đến nay là 88 đại biểu, chiếm 4,4%. 73 đại biểu đại diện cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chiếm 3,6%. 191 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 9,5%. 165 đại biểu tiêu biểu đại diện các ngành, nghề, các lĩnh vực: Thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà văn, cá nhân được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, nhà báo, tài năng trẻ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, điển hình tiêu biểu trong hoạt động từ thiện xã hội, chiếm 8,2%.

1.212 đại biểu điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, là người trực tiếp lao động sản xuất trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 60%. Đại biểu cao tuổi nhất là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (Thành phố Hồ Chí Minh), năm nay 95 tuổi. Đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Phan Nguyễn Thái Bảo, 10 tuổi, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Bình Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh cùng các đại biểu.

Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020 - 2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng.

*Trước phiên trù bị của đại hội, Đoàn đại biểu đại diện cho các điển hình tiên tiến về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

BĂNG CHÂU