Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025: “Tiếp sức” cho mô hình kinh tế tập thể
Các xã viên HTX trồng dâu, nuôi tằm xã Liên Hà (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông) do Hội CCB xã làm chủ đang nhặt tằm đã chín đưa lên né.
Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là HTX là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Đến tháng 6-2020, cả nước có 25.282 HTX, 91 liên hiệp HTX và 120.811 tổ hợp tác (THT). Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng 6 tháng đầu năm 2020 cả nước thành lập mới được 752 HTX, 10 liên hiệp HTX, 3.000 THT. Đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực KTTT, đến nay Hội CCB Việt Nam có 1.663 HTX, 3.104 THT do CCB làm chủ.
Một trong những chuyển biến tích cực về KTTT là nếu như trước đây, thành viên tham gia HTX theo mệnh lệnh hành chính, không góp vốn thì hiện nay người dân tham gia HTX trên tinh thần tự nguyện, cùng góp vốn, cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của HTX. Trong đó phải kể đến vai trò gương mẫu, đi đầu của hội viên Hội CCB các cấp. Ngoài nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH ủy thác qua Hội CCB Việt Nam, hội viên CCB còn tự nguyện phát triển nguồn vốn nội bộ bằng việc cho nhau vay không lãi hoặc lãi suất thấp để sản xuất, kinh doanh với nhiều hình thức như: vay bằng tiền, giống, phân bón, vật tư…, tổng trị giá gần 294 tỷ đồng, tạo việc làm cho 14.685 CCB và con em hội viên. Từ đó, nhiều HTX, THT của hội viên CCB vươn lên làm ăn hiệu quả, có nhiều đóng góp xây dựng địa phương. Nhiều HTX có phạm vi hoạt động toàn xã, thậm chí toàn huyện. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều.
Thời gian qua, KTTT, HTX mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia, góp phần xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên cũng còn những hạn chế về tốc độ tăng trưởng; quy mô nhỏ; phát triển không đồng đều...
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi KTTT ở nước ta cần đổi mới mạnh mẽ để thích ứng và phát triển. Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, ngày 13-11-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1804/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của Chương trình nhằm hỗ trợ, phát triển khu vực KTTT, HTX cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về KTTT, HTX; đến năm 2025, thành lập mới 10.000 tổ chức KTTT thu hút khoảng 8 triệu thành viên; 100% số HTX, liên hiệp HTX tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã; xây dựng 3.000 mô hình tổ chức KTTT ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững…
Theo đó, các HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động, hoạt động kém hiệu quả hoặc có nhu cầu phát triển, mở rộng; HTX, liên hiệp HTX được thành lập từ việc hợp nhất, sáp nhập, chia tách; người dân có nhu cầu thành lập tổ chức kinh tế tập thể sẽ được hỗ trợ tư vấn thông tin, tập huấn, hướng dẫn thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động cho phù hợp với các quy định hiện hành.
Đối với các tổ chức KTTT, HTX hoạt động trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hàng, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ xây dựng một số trung tâm xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể tại các địa phương…
Câu chuyện làm gì để phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới vẫn đang là bài toán với nhiều lời giải, tùy vào điều kiện, đặc điểm của từng địa phương và sự đồng thuận của nhân dân để HTX thực sự là một thành phần kinh tế quan trọng, là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa tư tưởng HTX vào Việt Nam, trong cuốn "Đường Kách mệnh" năm 1927, Người nhấn mạnh: “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó”, “HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau, vốn nhiều, có sức mạnh thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”…
Hồ Thanh Hương