Không bán hàng đủ chỉ tiêu, Vicem thương mại cắt lương, dừng đóng BHXH

Bà Nguyễn Thị Ngân - nhân viên thuộc Phòng bán lẻ Công ty CP Vicem Thương mại Xi măng (Vicem thương mại) thuộc Tổng Công ty xi măng Việt Nam có đơn gửi Báo CCB Việt Nam phản ánh, từ năm 2016-2019, bà bị Phó giám đốc Vicem thương mại - Đặng Phúc Tân không cho bán hàng, đồng thời cắt luôn chế độ lương thưởng và dừng đóng BHXH, BHYT..., khiến cho cuộc sống của bà vô cùng khó khăn.

Năm 2008, bà Ngân được tuyển dụng vào làm việc tại Vicem thương mại và được phía Công ty ký hợp đồng lao động, được hưởng lương và các chế độ theo qui định của Bộ Luật lao động và của Công ty. Đến ngày 31-8-2011, bà Ngân được Vicem thương mại ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Hợp đồng cho thấy bà Ngân thực hiện nhiệm vụ nhân viên bán xi măng với thời gian làm việc là 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần; hai bên còn cam kết, thỏa thuận trả lương theo quyết định xếp lương của Công ty tương ứng với công việc được giao… Ngoài ra, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế chộ nghỉ phép, nghỉ lễ, tết… được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Nếu làm thêm giờ, còn được Công ty trả lương thêm giờ.

Công việc bán hàng đang suôn sẻ thì đến năm 2016, bà Ngân được Phó giám đốc Vicem thương mại - ông Đặng Phúc Tân mời lên thông báo thay đổi cơ chế bán hàng và tăng mức sản lượng bán hàng của bà từ 250 tấn xi măng/tháng lên 400 tấn/tháng. Đồng thời, Công ty còn ra quy chế nếu không bán đủ sản lượng 400 tấn xi măng/tháng sẽ tự đóng bảo hiểm và còn bị cắt lương… và ký cam kết với Công ty về các điều kiện này.

Do đang mang thai nên không thực hiện được yêu cầu như chỉ tiêu giao, bà Ngân đã phải tự bỏ tiền túi ra đóng bảo hiểm thông qua thủ quỹ công ty. Đến tháng 9-2017, Phó giám đốc Đặng Phúc Tân gọi lên thông báo không cho bán hàng và cũng không cho nộp bảo hiểm.

Trong đơn bà Ngân còn phản ánh: Tại Công ty có nhiều nhân viên bán hàng nợ đọng tiền hàng gấp đôi số tiền bà nợ (bà Ngân chưa thu tiền về cho Vicem thương mại khoảng 400 triệu đồng); có nhân viên nợ đọng 4-5 tỷ đồng tiền hàng chưa thu hồi được nhưng vẫn không bị cắt lương, mà còn được Công ty trả đầy đủ các chế độ.

Chính vì sự không công bằng, có dấu hiệu bị trù dập, bà Ngân làm đơn tố cáo tới Tổng Công ty xi măng Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng Công ty xi măng Việt Nam sau đó thụ lý, có Thông báo kết luận giải quyết tố cáo vào năm 2019. Tuy nhiên, bà Ngân cho rằng nội dung giải quyết đơn tố cáo của bà chưa được Tổng Công ty xi măng Việt Nam giải quyết một cách khách quan, thấu đáo, còn có dấu hiệu bao che cán bộ bị tố cáo... Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.

BBĐ