Cần cơ chế phù hợp phát huy năng lực người cao tuổi
Dù tuổi cao, nhưng nhiều hội viên CCB cả nước luôn tích cực lao động sản xuất.
Hiện tại, nước ta đang trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Theo số liệu của cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm khoảng 12,7% dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi. Dự báo, tỷ lệ NCT nước ta chiếm 17,98% tổng số dân vào năm 2049.
Dân số già, điều đó có nghĩa là tuổi thọ dân cư tăng lên và đó là hệ quả tích cực của phát triển kinh tế, chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội. Già hóa dân số tạo ra cơ hội cho NCT phát huy kinh nghiệm, nhưng đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng một xã hội phù hợp với NCT cả về cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ, giao thông, y tế, chính sách lao động, việc làm và hưu trí, tổ chức các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Để tận dụng tốt nhất các yếu tố cơ hội và hạn chế các tác động tiêu cực của hiện tượng này, việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy sinh kế và tạo việc làm cho NCT.
Ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… đã đề ra nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng già hóa dân số. Tại Nhật Bản, các công ty được Chính phủ khuyến khích thuê lao động cho đến khi họ 70 tuổi và hỗ trợ nhân viên nghỉ hưu tìm việc làm mới, mở công ty riêng hoặc làm việc tự do. Tại Hàn Quốc, "Màn hai cuộc đời" là chương trình do Quỹ Lao động Hàn Quốc thực hiện nhằm giúp cho NCT tìm việc làm. Ngoài ra, Quỹ Lao động Hàn Quốc còn có chương trình "Đứng lên trở lại" để hỗ trợ cho người nghỉ việc trên 40 tuổi, giúp họ kỹ năng tìm việc và thích ứng việc làm mới. Còn ở Đức, việc giữ người lao động lớn tuổi ở lại làm việc được coi là vấn đề ổn định kinh tế quốc gia. Do tính chất đòi hỏi cao về thể lực của ngành công nghiệp chế tạo, nhiều công ty đã sử dụng những tiến bộ trong công nghệ để phù hợp với người lao động lớn tuổi và giữ họ tiếp tục làm việc.
Tại Việt Nam, thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy có tới 60% NCT trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc; hiện cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Người lao động trong nhóm 45 tuổi trở lên có ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm qua các kênh tuyển dụng chính thức. Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay, rất nhiều NCT vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.
Một bộ phận không nhỏ NCT không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Xu hướng NCT ngày càng chiếm tỉ lệ cao hơn trên thị trường lao động. Tuy nhiên, đa số có nhu cầu làm việc nhưng không biết tìm việc làm ở đâu. Còn những người có việc thì chủ yếu nhờ vào sự giới thiệu của người quen, nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Bên cạnh đó, nhiều NCT có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng lại thiếu vốn.
Kết quả nghiên cứu vào tháng 6 và 8-2020 tại 3 địa phương: T.P Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy khoảng 40-45% NCT tham gia hoạt động kinh tế. Trong số đó có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, đã và đang tạo hàng triệu việc làm cho người lao động. Ngoài ra, còn có nhiều NCT tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Với đặc thù đa số hội viên là NCT, nhiều năm qua Hội CCB Việt Nam luôn chú trọng công tác hỗ trợ CCB giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho hội viên thông qua phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống, tham gia các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến tháng 6-2020, Hội CCB các cấp tổ chức vay vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia về việc làm có tổng dư nợ đến tháng là 47,7 tỷ đồng (kênh T.Ư Hội) và 4.061 tỷ đồng (kênh địa phương). Tỷ lệ các tổ tiết kiệm vay vốn khá, tốt đạt 93,98%. Ngoài ra, các hội viên đã cho nhau vay không lãi hoặc lãi suất thấp với nhiều hình thức, tính ra tiền được 50,185 tỷ đồng.
Nhờ đó, hàng nghìn hội viên CCB đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả sẽ cao hơn nếu có thêm chính sách hỗ trợ cụ thể như: Vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp; miễn giảm phí tham gia các khóa học về khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư; bảo hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong trường hợp họ gặp rủi ro (do thiên tai, dịch bệnh…)...
“Gừng càng già càng cay” - việc tận dụng được nguồn lao động có tay nghề cao, khai thác thêm nguồn nhân lực có nhiều kinh nghiệm quý báu không chỉ đơn thuần là tạo công ăn việc làm mà còn là vấn đề mang tính nhân văn, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Hồ Thanh Hương