Các sản phẩm thuốc lá điện tử, shisa có hại như thuốc lá điếu thông thường
Quang cảnh Hội nghị.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các phóng viên, biên tập viên, cán bộ công chức, viên chức của một số Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Văn hóa, thông tin trên địa bàn Hà Nội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được cung cấp thông tin mới về tác hại của thuốc lá và công tác phòng chống tác hại của thuốc lá; kết quả thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, những khó khăn và thách thức đặt ra; các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống tác hại của thuốc lá và thực trạng công tác xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống tác hại của thuốc lá trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Trao đổi tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Kể từ khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam giảm .Trung bình hơn 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết về quy định của Luật.
Đến nay, đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà. 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà…
Theo WHO, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN sau Indonesia và Philippines. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ hai người có một người hút thuốc. Hiện nay, có khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình, 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì thuốc lá.
Theo kết quả đánh giá hoạt động công tác phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế, việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, Cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở việc hút thuốc hầu như không còn. Nhiều sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang… tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá. Hành vi hút thuốc nơi công cộng ngày càng không được cộng đồng chấp nhận như trước đây. Nhiều người không hút thuốc đã nhận thức được quyền được bảo vệ sức khỏe, được sống trong môi trường không khói thuốc và dám lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc không hút.
Đại diện bộ Y tế cũng khẳng định, các sản phẩm thuốc lá điện tử, shisa… vẫn có hại như thuốc lá điếu thông thường; các sản phẩm thuốc lá mới này không có công dụng cai nghiện như các tập đoàn thuốc lá quảng cáo.
Vũ Minh