Hơn 56.000 ngôi nhà tốc mái do bão Molave
Anh Đình Lăng đứng bên căn nhà sập đổ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) sau khi bão số 9 đi qua. Ảnh: Phước Tuấn.
Cơn bão Molave hoành hành Nam Trung Bộ suốt 7 tiếng đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân, trong đó hơn 56.000 căn nhà bị tốc mái.
Tối 28/10, Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 cho biết, bão Molave khi vào đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi hồi 14h có gió cấp 10 - 11, giật cấp 13. Ở các địa phương lân cận, Đà Nẵng gió giật cấp 8, Bình Định giật cấp 7 - 8.
Bão kèm mưa lớn trải dài ở các tỉnh miền Trung. Trong đó thực đo từ 19h ngày 27 đến 14h ngày 28/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định và Kon Tum mưa 200-450 mm. Đến tối nay, nhiều địa phương vẫn đang hứng chịu mưa sau bão.
Thiệt hại ban đầu, đã có một người chết ở tỉnh Gia Lai, do trú mưa ở lán bị sập. Hai người ở tỉnh Bình Định bị thương. Ngoài ra còn 26 thuyền viên của hai tàu cá Bình Định đang mất tích.
Bão Molave cũng làm 34 ngôi nhà bị sập, trong đó nhiều nhất là tỉnh Bình Định với 23 nhà, Quảng Ngãi 9, Phú Yên và Gia Lai mỗi nơi một. Ngoài ra, 56.163 ngôi nhà bị tốc mái, riêng Quảng Ngãi gần 53.400, Bình Định gần 2.600 nhà. 31 trụ sở cơ quan, 28 điểm trường ở Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng.
Tại tỉnh Kon Tum, bão đã gây ngập lụt và chia cắt hai thôn, với 1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà; cuốn trôi một cầu treo ở huyện Kon Rẫy, chia cắt 115 với 680 người ở thôn 11, xã Đắc Ruồng; 14 điểm khác bị sạt lở gây ách tắc.
Hiện tại có 360 xã ở miền Trung đang mất điện (chủ yếu do chủ động cắt điện chống bão). Hệ thống điện mặt trời ở Bình Định bị hư hại. Ba chiếc tàu nhỏ ở Phú Yên và Bình Thuận bị chìm.
Nhận định về cơn bão này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Nguyễn Xuân Cường - Phó Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nói "chưa có một cơn bão nào mà thời gian lưu gió mạnh suốt 7 giờ, từ 10h đến hơn 16h, tốc độ gió từ cấp 10-12".
"Điều đó cho thấy sức tàn phá của cơn bão này rất lớn", Bộ trưởng nói và cho biết nhờ những biện pháp ứng phó bão được thực hiện khẩn trương trong hai ngày qua nên giảm được thiệt hại ban đầu về người.
Dự báo từ 28 đến 29/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên mưa 200-400 mm mỗi đợt; Bắc Tây Nguyên từ 150-250mm. Từ 28/31/10, Nam Nghệ An và Hà Tĩnh mưa từ 500-700 mm; Quảng Bình và Quảng Trị 200-400 mm.
Lũ trên các sông đang lên. Trường hợp hồ Đắc Mi 4 (Quảng Nam) xả 11.400 m3/s trong 6-12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 11,2 m, trên báo động ba 2,2 m (vượt mức lũ lịch sử năm 2009 0,43 m).
Từ đêm 28/10, lũ trên các sông sẽ mở rộng ra các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Trong đó, đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình lên mức báo động hai và báo động ba, sông nhỏ lên mức báo động ba.
Theo Bộ trưởng Cường, do hoàn lưu bão gây gió và mưa lớn tiếp diễn, nên hậu bão sẽ còn nhiều việc phải làm, trong đó bao gồm cả việc đảm bảo an toàn cho người dân và tàu thuyền đang neo đậu trú tránh. Riêng khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn, cần cảnh giác nếu không thiệt hại sẽ rất lớn.
PV