Hội CCB với công tác pháp luật: Nội dung phong phú, hiệu quả thiết thực
* Trong hai ngày 19 và 20-10-2020, T.Ư Hội CCB Việt Nam tổ chức Tập huấn, hội thảo công tác pháp luật năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN giữa Bộ Tư pháp và T.Ư Hội CCB Việt Nam, công tác pháp luật được Hội CCB Việt Nam triển khai với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); trợ giúp pháp lý (TGPL) đối với hội viên CCB. Bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, công tác pháp luật đã góp phần xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức Hội, đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách đối với CCB.
Giúp CCB hiểu để làm đúng
Những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới CCB đang dần được hoàn thiện. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng các cấp Hội CCB triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả Pháp lệnh Cựu chiến binh.
T.Ư Hội CCB Việt Nam không chỉ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới CCB mà còn tham gia vào quá trình xây dựng hay thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiệm vụ của Bộ Tư pháp như Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai, Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ luật Hình sự…
Hằng năm, dựa vào nhu cầu tìm hiểu pháp luật thực tế của CCB, T.Ư Hội tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu PBGDPL tới các cấp Hội như: Tập sách Pháp lệnh Cựu chiến binh; Các văn bản về CCB và chế độ, chính sách đối với CCB; Sách hỏi đáp pháp luật; mở chuyên mục phổ biến pháp luật trên Thông tin CCB và báo CCB Việt Nam… Ngoài ra, T.Ư Hội còn đề nghị Bộ Tư pháp quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật Trung ương và chỉ đạo các cấp Hội địa phương phối hợp với cơ quan Tư pháp xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL…
Tại trụ sở T.Ư Hội, thực hiện Quy chế Tiếp công dân của Hội CCB Việt Nam, hằng ngày trong giờ hành chính, cán bộ của các Ban Pháp luật, Tổ chức - Chính sách, Văn phòng và Kiểm tra luân phiên trực và tiếp nhận những đơn thư của CCB trong cả nước. Những vấn đế thuộc thẩm quyền của T.Ư Hội sẽ được chuyên viên của các Ban chuyên môn trực tiếp giải đáp. Từ đầu năm tới nay, sổ tiếp công dân của Hội ghi nhận hơn 1.000 đơn thư.
Tại các địa phương, trên cơ sở tình hình thực tiễn, mỗi tỉnh Hội xây dựng chương trình, kế hoạch với nội dung phù hợp và hình thức đa dạng. Qua đó, “mềm hóa” các văn bản pháp luật vốn được xem là khô khan nhằm giúp hội viên dễ dàng tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống xã hội. Theo thống kê, các cấp Hội cả nước tổ chức gần 148.000 lớp bồi dưỡng, tập huấn. Ngoài ra, nhiều nơi còn xây dựng tủ sách pháp luật, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, thành lập thí điểm “CLB CCB, CQN với pháp luật” tại một số địa phương…
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hội CCB các cấp tỉnh Quảng Bình phối hợp với cơ quan chức năng lồng ghép tuyên truyền PBGDPL được 244 buổi cho 32.720 lượt CCB tham gia, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng, như: Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về PBGDPL, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, cụ thể hơn nội dung Pháp lệnh Cựu chiến binh…
Thông qua hoạt động PBGDPL, Hội CCB tỉnh Hòa Bình xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: “CLB ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Khu phố không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Giảm tình trạng tảo hôn”… Hội CCB tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với CCB theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT về thực hiện Nghị định số 150/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Trợ giúp nhau cùng làm đúng
Mỗi năm, Ban Pháp luật - T.Ư Hội CCB Việt Nam tiếp nhận và giải quyết gần 400 đơn thư, khiếu kiện của CCB. Công tác TGPL được T.Ư Hội xác định là mảng hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật cho CCB.
Trong vụ việc khiếu kiện tiền bồi thường thu hồi đất của 7 hộ gia đình (trong đó có 4 gia đình là hội viên CCB) tại T.P Vinh (Nghệ An) kéo dài gần 8 năm với nhiều cấp xét xử, T.Ư Hội CCB Việt Nam đã 5 lần kiến nghị và cử cán bộ Hội trực tiếp tham gia tại phiên tòa phúc thẩm. Kết quả, đến tháng 3-2016, 7 hộ đã được bồi thường tổng cộng hơn 8,1 tỷ đồng, trước đó số tiền này chỉ là gần 262 triệu đồng.
Còn trong vụ việc của 6 CCB tỉnh Đắk Nông bị tuyên phạm tội “Hủy hoại rừng”, mặc dù cả 6 người đã chấp hành xong án phạt tù, nhưng họ vẫn liên tục gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền kêu oan. Vừa qua, Công an T.P Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã chính thức có thông báo về việc điều tra lại vụ án “6 CCB tham gia phá rừng” xảy ra từ năm 2014 tại xã Quảng Thành. Để tránh tình trạng “chưa được vạ thì má đã sưng”. Đây là một sự việc đáng tiếc, là một bài học đắt giá cho thấy tầm quan trọng của công tác PBGDPL. Giá như những CCB này có kiến thức pháp luật về bảo vệ rừng thì chắc chắn họ sẽ tránh được tình trạng “chưa được vạ thì má đã sưng” như hiện nay.
Việc nâng cao kiến thức pháp luật, giúp CCB biết vận dụng pháp luật vào cuộc sống hằng ngày, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và mọi người, hạn chế các vi phạm do thiếu hiểu biết, giảm bớt những tranh chấp, khiếu kiện đông người… và góp phần giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Hồ Thanh Hương