Bão số 9 mạnh, vùng ảnh hưởng rộng, Thủ tướng họp khẩn với các địa phương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.
Sáng nay (26/10), trước tình hình bão khẩn cấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điều hành cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó bão. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Bão Molave đã đi vào Biển Đông sáng nay, thành cơn bão số 9 năm 2020.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 7h sáng mai, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 270km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm, cơn bão này rất mạnh, đi rất nhanh, ảnh hưởng đất liền trong 36-48 giờ tới.
Các đài quốc tế dự báo, bão số 9 trên Biển Đông cấp 13-14, khi vào vùng biển ven bờ cấp 12.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định, vùng ảnh hưởng của bão kéo dài từ Bắc Trung Bộ - Nam Trung Bộ, hướng tập trung là Trung Trung Bộ - Nam Trung Bộ.
Ông Khiêm cho hay, bão số 9 không được thuận lợi như bão số 8, nhiều khả năng có cường độ khá cao khi tiến về miền Trung.
Từ chiều ngày 27/10, vùng biển ven bờ chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió giật mạnh. Từ đêm mai đến ngày 28/10, khu vực đất liền sẽ chịu ảnh hưởng của bão. Hoàn lưu của bão có thể kéo dài đến tối ngày 28/10.
Phạm vi ảnh hưởng của bão tính từ Nam Nghệ An đến Khánh Hoà, trọng tâm là Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng, kéo vào Quy Nhơn- Phú Yên. Gió mạnh không chỉ các tỉnh khu vực ven biển, mà có thể có gió giật cấp 8-9 ở khu vực Tây Nguyên (tương tự cơn bão Damrey năm 2017 gió giật cấp 8-9 gây tốc mái nhà).
Do ảnh hưởng của bão, sóng biển có thể cao từ 8-10m. Nước dâng do bão từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có thể gây ngập lụt.
Dự báo phạm vi mưa rộng từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ (từ Nam Nghệ An đến Phú Yên), bắt đầu từ chiều mai đến ngày 29/10, phổ biến 200-400mm.
Ông Khiêm lưu ý, sau khi bão đi vào sâu thì còn có hoạt động của không khí lạnh phối hợp với hoàn lưu bão tạo vùng hội tụ, tình hình mưa ở Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có thể kéo dài đến ngày 30-31/10; với tổng lượng mưa từ 500-700mm.
Với kịch bản mưa như trên, các sông từ Nghệ An đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum xuất hiện đợt lũ mới, mực nước một số sông BĐ3.
Ông Khiêm cũng đưa ra cảnh báo, vừa qua tại miền Trung đã có mưa rất lớn, độ ẩm đất bão hoà, vì vậy cần lưu ý phòng tránh lũ quét.
Hơn 368.000 quân ứng trực
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai thì cơn bão số 9 mạnh tương đương cơn bão Damrey năm 2017, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho các tỉnh Bình Định.
Cơn bão này đã làm 123 người chết, mất tích và 134.000 nhà, hơn 73.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, cùng với đó là 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, 8 tàu thuyền vận tải bị chìm tại Quy Nhơn, Bình Định.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 8 tỉnh bị ảnh hưởng của bão, cần đặc biệt quan tâm đến 5 đối tượng có nguy cơ cao. Trong đó, tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13 là hơn 1,2 triệu người.
Hiện nay, Biên phòng, cơ quan thủy sản đã tổ chức kêu gọi, thông tin đến 59.477 tàu/289.298 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho hay, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận triển khai các lực lượng, phương tiện phòng chống bão với 368.902 lượt người, 3.562 phương tiện.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm công điện ứng phó bão số 9, duy trì nghiêm công tác trực, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ để kịp thời cảnh báo và triển khai phương tiện ứng phó…
Hương Quỳnh