Những chiến binh ngã xuống giữa trận tiền

Nhiều vùng rộng lớn tại Thừa Thiên -Huế vẫn đang ngập sâu.

Đã bao năm, bao mùa hạn hán rồi bão giông, biết bao người tự hỏi: Thiên nhiên sao quá tàn độc với đất và người miền Trung như vậy? Trên rẻo đất như chiếc đòn gánh mỏng mảnh gánh đỡ hai đầu đất nước, mới mấy tháng qua thôi, những con người gầy khô, lam lũ đào vét từ giếng sâu, lòng hồ, tìm chắt từng giọt nước như nước mắt, mong qua cơn khát, thì hôm nay lại lặn ngụp giữa bão lũ cuồng phong.

Cứ mỗi mùa mưa bão, cả nước lại thắc thỏm, quặn thắt ngóng về “khúc ruột miền Trung”! Hỏi rằng ai không đau, khi chứng kiến sản phụ đến ngày “khai hoa” bị lũ cuốn chìm; những trẻ thơ ngồi trên nóc nhà, dõi mắt trông người đến cứu và ai không đau khi những ngư phủ bị chôn vùi bởi những đợt sóng lừng giữa biển khơi, chỉ vì bát cơm manh áo…! Nhưng mưa lũ, bão giông như chính thứ thuốc thử nhiệm màu làm phát sáng thêm tình đồng bào, đồng chí; sự nhường nhịn sẻ chia trong hoạn nạn. Và từ trong lụt bão đã tỏa sáng hơn phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh!”.

Nhiều vùng rộng lớn tại Thừa Thiên -Huế vẫn đang ngập sâu. 

Cuộc chiến chống thiên tai, bão lũ thời gian qua càng khẳng định: Trong điều kiện đất nước có hòa bình, cùng với huấn luyện, sẵng sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thì phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ hết sức nặng nề, trọng yếu của các lực lượng vũ trang. Và trong cuộc chiến với “giặc trời” đó, không ít người lính Cụ Hồ đã dũng cảm hy sinh như những chiến binh nơi chiến trận.

Đầu tháng 10 năm nay, khi mưa lũ hoành hành suốt một dải miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, với tinh thần “Bốn tại chỗ” các đơn vị bộ đội địa phương và lực lượng Công binh trực thuộc Bộ Quốc phòng đã kịp thời có mặt nơi “rốn lũ”; gồng mình cùng nhân dân chống lũ, tìm kiếm cứu nạn. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ ngâm mình trong nước lũ, tới từng xóm bản dỡ mái ngói, dìu cõng từng cụ già, cháu nhỏ; khiêng vác di chuyển từng bao gạo, con lợn cho dân… đã gây biết bao xúc động, mến phục về những người lính Cụ Hồ.

Một điểm sáng của sự hy sinh cứu dân của bộ đội trong đợt mưa lũ vừa qua là việc giải cứu 8 thuyền viên của tàu Vietship 01 bị nước lũ, sóng lớn làm chìm một phần tàu tại khu vực cảng Cửa Việt, Quảng Trị. Ai đã từng theo dõi vụ việc giải cứu thuyền viên của tàu Vietship 01 hẳn đã không khỏi hồi hộp đến thót tim khi chứng kiến 8 con người nhỏ nhoi bám víu ống khói con tàu giữa cuồng phong, sóng cả sau 4 ngày đêm. Mặc dù mọi lực lượng cứu hộ, mọi phương cách giải cứu đã được vận dụng vẫn chưa kết quả. Tám con người sức cùng lực kiệt, trong khi một cơn bão dự báo đang tiến vào chính khu vực này…!

Tổ bay thực hiện giải cứu các thuyền viên mắc kẹt trên tàu Vietship 01
Sau khi được đưa vào bờ, các thuyền viên gặp nạn được cung cấp thực phẩm và chăm sóc y tế.

Nhưng rồi, tối ngày 10-10, khi những chiếc trực thăng của Công ty Trực thăng miền Bắc thuộc Binh đoàn 18 Bộ Quốc phòng xuất hiện trên bầu trời Cửa Việt, thì tôi như cất đi một phần gánh nặng của nỗi lo âu. Bởi tôi đã được nghe kể và viết về “Những cánh bay của lòng dũng cảm” này, khi chính họ đã tham gia giải cứu thành công nhiều sự cố, trong đó có vụ giải cứu một tàu nước ngoài gặp bão lớn, mất neo, trôi dạt ở vùng biển gần đảo Bạch Long Vĩ.

Sáng ngày 11-10 thì 8 thuyền viên tàu Vietship 01 được trực thăng của Binh đoàn 18 và lực lượng Đặc công nước phối hợp giải cứu thành công trong niềm vỡ òa cảm xúc của bao người.

Thú thực, trước khi trực thăng của Binh đoàn 18 vào Cửa Việt, chứng kiến cảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và rất nhiều người dân đứng trên bờ căng mắt dõi theo mấy chấm nhỏ giữa những con sóng lừng, tôi đã băn khoăn, sao không đưa trực thăng vào giải cứu? Nhưng lại nghĩ, hơn ai hết, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các tướng lĩnh chỉ huy cứu nạn, biết đưa trực thăng vào thời điểm nào là tối ưu. Nhớ lại, sau sự cố máy bay tiêm kích Su-30.MK2 (8585) gặp tai nạn ngày 14-6-2016 trong khi huấn luyện, thì ngày 16-6-2016, máy bay tuần thám CASA-212 (9368) tìm kiếm phi công máy bay SU-30.MK2, lại gặp nạn, làm 9 quân nhân y sinh… Đúng là, mọi việc không hề đơn giản như mình nghĩ.

Tôi đã từng gặp, được nghe kể về các phi công trực thăng: Nguyễn Văn Hòa, Chu Quang Minh, Nguyễn Quang Thiết, Hải Đăng, Lam Sơn… của Binh đoàn 18. Và sáng ngày 11-10, được chứng kiến Lê Hải Đăng khiêm tốn nói đôi điều về việc giải cứu thuyền viên, khi anh là lái chính của Tổ lái ngày hôm đó, lại càng cảm mến, nể phục hơn “Những cánh bay của lòng dũng cảm” của Quân đội ta.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế di dời người dân thôn đến nơi tránh trú an toàn. 

Cứ nghĩ “Bão lui rồi hàng cây xanh thắm lại”. Nhưng không! Lũ lụt vẫn cô lập dân Phong Nha, Tuyên Hóa… (Quảng Bình). Lũ giam lỏng dân Ba Lòng, Đắk Rông, Hướng Hóa… (Quảng Trị) rồi gây ngập nặng Hương Thủy, Phong Điền … (Thừa Thiên Huế). Vừa trút gánh nặng khi Quân đội giải cứu thuyền viên của tàu Vietship 01 nơi Cửa Việt, người dân cả nước lại bàng hoàng hay tin hàng chục công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mất tích vì mưa lũ.

Biết rằng trong các thứ giặc, thì “giặc nước” từ xa xưa đã được cha ông xếp hạng nguy hiểm hàng đầu; nhưng vì nhân dân, những người lính lại lên đường về nơi rốn lũ. Nhiều đơn vị với hàng loạt phương tiện trang bị hiện đại cũng được huy động chống lũ lụt. Trong đoàn 11 sĩ quan quân đội đi thám sát, tìm cách giải cứu những người mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3 có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4, đã bao năm cùng “màn trời, chiếu đất” với người dân Quảng Bình quê ông mùa bão lũ; có Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng là người từng chỉ huy lực lượng Công binh giải cứu thành công 12 công nhân mắc kẹt 82 giờ tại thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) vào tháng 12-2014… Đoàn lên Thủy điện Rào Trăng 3 còn có Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - Nguyễn Văn Bình và Trưởng phòng Tuyên truyền Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng đoàn công tác thị sát tình hình mưa bão ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế trước khi gặp nạn 1 ngày.

Đã bao lần các anh tham gia chống bão lũ, chống cháy rừng; bao lần tìm kiếm cứu nạn thành công. Nhưng lần ra đi này, các anh đã vĩnh viễn không trở về! Trong số những tướng lĩnh, sĩ quan quên mình vì dân, vĩnh viễn nằm lại nơi rốn lũ, có những người con quê Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, khi đi qua quê nhà, chứng kiến nhà mình ngập sâu; cha già, mẹ yếu, con thơ đang gồng mình cùng bà con lối xóm chống lũ, nhưng vì sinh mạng những công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 đang chờ đợi…, họ đã nuốt nước mắt vào trong để lên đường. Rồi cơn lũ tàn độc đêm 12-10-2020 tại Trạm kiểm lâm 67, huyện Phong Điền, đã cuốn vùi các anh vào lòng đất Mẹ.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nỗ lực dọn dẹp, tìm kiếm đồng đội mất tích.

Kính cẩn nghiêng mình trước gương vì dân quên mình trong bão lũ của các anh!

17h20 phút một chiếc xe cấp cứu về đến Bệnh viện Quân y 268 - TP Huế

Nỗi đau ở Phong Điền chưa nguôi thì cả nước lại bàng hoàng khi nghe tin Thượng úy Trương Văn Thắng - công an viên xã Hướng Việt, Hướng Hóa hy sinh khi đi tìm cứu dân và đau hơn là 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4, bị núi lở, vùi lấp ở Hướng Hóa, Quảng Trị. Là người từng được viết những trang sử của Đoàn 337, tôi biết nhiều thế hệ cán - binh của Đoàn 337 đã “nếm mật nằm gai”, khai sơn phá thạch, xây dựng vùng kinh tế - quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng vùng biên viễn này. Vậy là, vì nhiệm vụ, các anh đã hy sinh như những chiến binh ngã xuống giữa trận tiền.

Khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân bị núi lở ở Hướng Hóa, Quảng Trị.

Bão lũ rồi sẽ qua. Sẽ tới một ngày vùng kinh tế - quốc phòng Hướng Hóa mạnh giàu - trù phú; sẽ có một ngày ánh điện Thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4… soi sáng miền rừng hoang vu tây xứ Huế và ánh điện cũng sẽ tỏa sáng tượng đài những Anh hùng liệt sĩ đã vì dân mà quên mình trong bão lũ.

Duy Tường