Nghĩa tình, trách nhiệm với đồng đội - tri ân liệt sĩ
Các đồng chí Thiếu tướng, Đỗ Quang Dự và Thiếu tá, Phạm Văn Hải, đại diện Ban chấp hành Hội Thành cổ Quảng Trị tại Đà Nẵng trao 50 triệu đồng cho vợ của cố hội viên Phạm NGọc Anh. Ảnh, NHân Mùi
Hội Chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị “81 ngày đêm năm 1972” tại thành phố Đà Nẵng được thành lập năm 2013, đã qua 2 lần tổ chức Đại hội nhiệm kỳ. Hội hiện có 61 hội viên là những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong Chiến dịch Xuân Hè - 1972.
Trao đổi với chúng tôi: Thượng tá, Lương Hữu Khanh, nguyên Bác sĩ Quân y, Phó Chủ tịch, Chánh Văn phòng Hội Chiến sĩ Bảo vệ Thành cổ Quảng Trị “81 ngày đêm” năm 1972 tại Đà Nẵng (TCQT tại Đà Nẵng), cho biết: “Hơn 5 năm qua, kể từ ngày thành lập năm 2013, Hội duy trì tốt các mối quan hệ đoàn kết đồng đội, thực hiện các hoạt động ý nghĩa, mang tính xã hội nhân văn sâu sắc trong công tác “Tri ân liệt sỹ”, “Nghĩa tình đồng đội”, các chương trình hành động, phong trào thi đua tại địa phương... Theo đó, Hội đã làm mới và sửa chữa 5 căn nhà tình nghĩa cho Mẹ VNAH, Mẹ của Liệt sĩ, nhà Đồng đội với kinh phí 250 triệu đồng (Hội toàn quốc cấp). Tổ chức 4 chuyến thăm viếng các địa danh, di tích lịch sử, thắp nến tri ân đồng đội kết hợp tặng 60 suất quà cho đồng đội tại thị xã Quảng Trị, gia đình liệt sĩ, thương binh nặng các nơi khác qua các lần thăm viếng, trị giá mỗi suất quà từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Vận động và hội viên tự nguyện đóng góp hơn 500 triệu đồng tham gia xây dựng các nhà Bia, Đài tưởng niệm của các đơn vi; tặng bộ Lư hương bằng đá Cẩm Thạch cho khu Di tích lich sử Thành Cổ Quảng Trị; làm Phóng sự phim với tiêu đề “Tiếng vọng Thành Cổ” phục vụ Đại hội Hội TCQT tại Đà Nẵng lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2019 - 2023); mua quạt điện, bàn ghế, tủ, giường, xe đạp trao tặng cho 5 căn nhà đã xây dựng, sửa chữa trong các năm và nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực khác...”.
Theo Nghị quyết Đại hội Hội đề ra, phấn đấu mỗi năm xây dựng, sửa chữa 01 căn nhà tình nghĩa, việc làm đó được Thường trực Ban Chấp hành Hội chủ động triển khai từ đầu năm. Bằng cách, lấy tinh thần hội viên đóng góp tiền để gia đình sớm tiến hành, sau đó lấy kinh phí trên cấp thanh toán lại cho hội viên. Như căn nhà cho Mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Toán, xã Hòa Tiến (Đà Nẵng), các đồng chí Thiếu tướng, Trần Minh Hùng; Thiếu tướng, Đỗ Quang Dự; Đại tá, Nguyễn Đức Hiền; Đại tá, Phạm Thanh Bá; Đại tá, Mai Phước Liêu; Thiếu tá Phạm Văn Hải và các hội viên đã đóng góp được 65 triệu đồng, tiến hành xây dựng, bàn giao, tạo niềm vui cho mẹ của liệt sĩ trong những năm tháng cuối đời. Thiếu tá, Nguyễn Bá Tùng, nguyên Đại đội trưởng C11, D6, E95, F325, một trường hợp đặc biệt khi bản thân 3 lần bị thương, 2 lần tại Thành Cổ nhưng chưa làm được chế độ thương tật, con trai nhiễm chất độc da cam/đioxin, vợ già yếu bệnh tật. Thực tế đó, được Thường trực Hội với Chi hội Sư đoàn 325 tiến hành khảo sát, quyên góp tiền xây dựng mới căn nhà bên cạnh nhà cũ; đồng thời đặt vấn đề cho phóng viên viết bài đăng trên các báo Công an Đà Nẵng, Cựu chiến binh, Quân đội Nhân dân nên đã giúp hội viên Tùng giám định được thương tật, hưởng chế độ một lần, tạo điều kiện cho gia đình hội viên ổn định cuộc sống. Cố, Phạm Ngọc Anh, (nguyên Phó Chính ủy E164, đơn vị Pháo binh trực thuộc Bộ trực tiếp chi viện chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ năm 1972), 4 năm liền bị tai biến liệt nửa người, các hội viên luân phiên đến thăm hỏi. Khi ông từ trần, các hội viên đến chia buồn tiễn đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Tiếp đó, Hội TCQT tại Đà Nẵng đã trao số tiền 50 triệu đồng cho vợ và con gái (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) sửa chữa căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”.
Công tác “Tri ân liệt sĩ” là đồng đội cùng đơn vị chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị được các hội viên nhiệt tình, trách nhiệm cao. Cụ thể, gia đình của liệt sĩ Nguyễn Quang Thiện (quê Hà Tĩnh), chiến sĩ Thông tin D4, E95, F325, bị thương khi chiến đấu tại Tây Nam Thành Cổ (8/1972), đồng đội đưa về tuyến sau điều trị và hy sinh. Trong 46 năm qua gia đình cất công tìm kiếm phần mộ của cha, chồng không có kết quả. Thân nhân của liệt sĩ đã đến gặp Hội, nhờ giúp đỡ. Hội TCQT tại Đà Nẵng bố trí xe ô tô, cử 2 hội viên cùng thân nhân gia đình trong nhiều ngày trực tiếp các địa điểm đặt Bệnh viện E, F, Mặt trận B5 (cũ), NTLS chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh để dò tìm. Tuy chưa mang đến kết quả, vì nhiều lý do khách quan “Chiến tranh lùi xa, sự vật thay đổi....” nhưng đã để lại tình cảm, trách nhiệm đẹp trong mối quan hệ đồng đội với thân nhân gia đình của liệt sĩ...
Hoạt động Hội thực hiện theo tiêu chí: “chất lượng, cụ thể, thiết thực - tác động tích cực vào các hoạt động “Tri ân liệt sĩ, Nghĩa tình đồng đội...”. Tinh thần đó được UBND thành phố Đà Nẵng ghi nhận hoạt động Hội có tác dụng thiết thực vào phong trào tại địa phương và công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: Nhân Mùi