Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950: Tầm nhìn chiến lược và bài học lịch sử
Trung tướng Nguyễn Tân Cương khai mạc hội thảo
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950, sáng 2-10, tại TP Lạng Sơn, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Nguyễn Tân Cương - Ủy viên Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng BQP; Nguyễn Hồng Diên - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Lâm Thị Phương Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, đồng chủ trì hội thảo.
Đến dự hội thảo có Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, nguyên Bộ trưởng BQP; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - UVTƯ Đảng, Ủy viên Quân ủy T.Ư, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; các tướng lĩnh, anh hùng LLVT nhân dân; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trực thuộc BQP; lãnh đạo một số tỉnh, các nhân chứng, nhà khoa học trong và ngoài quân đội…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định, Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950 là kết tinh của những nỗ lực phi thường của quân và dân ta trong những năm “chiến đấu trong vòng vây” của địch đầy hy sinh, gian khổ, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với quân và dân ta, là sự kiện lịch sử đánh dấu bước nhảy vọt, tạo chuyển biến quan trọng về cục diện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; chuyển cuộc kháng chiến của quân và dân ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.
Báo cáo đề dẫn hội thảo do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày đã khái quát những diễn biến của Chiến dịch. Qua 3 đợt chiến đấu diễn ra trong 29 ngày đêm (16/9-14/10/1950), kết quả, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn (có 8 tiểu đoàn Âu-Phi, chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược của thực dân Pháp ở Đông dương), diệt 8296 tên địch, thu hơn 3000 tấn vũ khí và đồ dùng quân sự; xóa sổ liên khu biên giới Đông- Bắc của địch; giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn). Đề dẫn cũng nêu những định hướng cần tiếp tục khẳng định, làm sâu sắc hơn một số nội dung, đó là: Về bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; Khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Chính ủy và Bộ Tổng tư lệnh trong Chiến dịch; tái hiện cuộc chiến đấu trên các chiến trường cả nước; làm rõ vai trò của nhân tố chính trị tinh thần; nêu bật tầm vóc, ý nghĩa, kinh nghiệm và những bài hoạc lịch sử của Chiến thắng
Trình bày Báo cáo tổng hợp hội thảo, Thiếu tướng TS Nguyễn Hoàng Nhiên – Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nêu rõ, với 89 tham luận gửi về Ban tổ chức và 8 tham luận trình bày tại hội thảo, cuộc Hội thảo khoa học lần này khẳng định, làm sâu sắc hơn các vấn đề: Sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng; sự đóng góp sức người, sức của của đông đảo Nhân dân, sự phối hợp đắc lực và có hiệu quả của quân và dân trên khắp các chiến trường; tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí của các lực lượng vũ trang; sự phát triển vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam và nghệ thuật quân sự Việt Nam; nêu bật tầm vóc, ý nghĩa và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời, cuộc Hội thảo khoa học lần này tiếp tục tôn vinh, tri ân những công lao, đóng góp của những người con ưu tú của dân tộc đã góp phần làm nên chiến thắng; khơi dậy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào dân tộc cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Bài, ảnh: Quang Huy – Hoàng Hà