Trương Vĩnh Ký yêu nước, nước nào?
Từ một cuộc tọa đàm của Bảo tàng Báo chí Việt Nam về nhân vật Trương Vĩnh Ký, một vài nhà sử học đã đăng đàn trên một vài tờ báo, cho rằng: Trương Vĩnh Ký là người yêu nước, không ai được độc quyền yêu nước và Trương Vĩnh Ký có quyền yêu nước theo cách riêng của ông ta. Luận điểm này lập tức gây nên sự giận dữ của nhiều người, trong đó có nhiều tướng lĩnh nghỉ hưu, trí thức trưởng thành trong quân đội.
Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1889), tên hồi nhỏ làTrương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm thànhTrương Vĩnh Ký, hiệu Sĩ Tải; là một nhà báo, nhà ngôn ngữ, một quan chức cao cấp trong chế độ cai trị thuộc địa Việt Nam của chính phủ thực dân Pháp trong thế kỷ XIX. Bên cạnh tài năng về ngôn ngữ, báo chí, ngay từ lúc còn sống, ông bị triều đình Huế khinh bỉ vì làm “tay trong” cho Pháp trong quá trình từng bước biến Việt Nam thành thuộc địa hoàn toàn. Cuối đời, ông cũng bị Chính phủ Pháp bỏ rơi vì không còn giá trị lợi dụng. Những đóng góp quan trọng giúp Trương Vĩnh Ký nhận được nhiều huân chương khen thưởng của Chính phủ Pháp chính là công trạng giúp Pháp đàn áp phong trào Cần Vương, đánh chiếm Bắc Kỳ, tích cực và ra mặt ủng hộ chính sách “đồng hóa” của thực dân Pháp. Ngay từ khi Trương Vĩnh Ký còn sống, dân gian đã xếp ông vào hàng ngũ “đại gian thần” cam tâm làm tay sai cho giặc, “chung mâm” với Hoàng Cao Khải, Lê Hoan...
Có nhiều nhân vật lịch sử, lúc đầu bị hiểu nhầm, sau này khoa học lịch sử đã tìm ra những bằng chứng xác đáng để minh rõ công - tội của họ. Nhưng Trương Vĩnh Ký, từ khi ông còn sống cho đến hôm nay, cái nhìn xuyên suốt và nhất quán, cả trong dân gian và các nhà sử học đều cho rằng ông là người có tội với đất nước, thực sự là tay sai cho thực dân Pháp. Việc một vài nhà sử học cố tình tuyên truyền ông ta “yêu nước của mình” là hành động “viết lại lịch sử”, một thứ cơ hội đã bị phê phán từ lâu.
Nếu cứ lấy lý do “vì thực dân Pháp quá mạnh” nên Trương Vĩnh Ký đành “hùa theo” dù ông vẫn yêu nước, thì Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... và rất nhiều kẻ tay sai bán nước khác cũng có quyền nhận rằng, chúng là người yêu nước và “yêu nước theo cách riêng”.
Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch nhằm vào Việt Nam, có một thủ đoạn rất tinh vi là thúc đẩy phong trào “viết lại lịch sử”, “xét lại lịch sử” nhằm chạy tội cho những kẻ tay sai bán nước. Bằng cách đó, sẽ tạo ra sự hỗn loạn về các thang giá trị xã hội, dần dần gây hỗn loạn xã hội, đặc biệt là hỗn loạn giá trị tinh thần sẽ là nguyên nhân gây bất ổn xã hội một cách nhanh chóng.
Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ tìm đến một số nhà sử học thiếu bản lĩnh, hám danh, hám lợi, khuyến khích họ “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”. Và chính những nhân tố này sẽ tự giác đi làm cái việc mà kẻ thù của đất nước mong muốn: Tạo ra sự hỗn loạn về giá trị của lòng yêu nước, từng bước “giải giáp” thứ vũ khí lợi hại nhất của dân tộc, thành trì vững chắc nhất của sự nghiệp giữ nước – lòng dân.
Nhiều nhà nghiên cứu đã và đang bày tỏ sự lo ngại về việc một số trí thức, nhà sử học có những phát ngôn hồ đồ, không có căn cứ khoa học nhưng lại được một số tờ báo tiếp tay để câu view. Nhiều người cho rằng, cần có một quy chế về thông tin báo chí trong các cuộc hội thảo, tọa đàm. Điều này không vi phạm tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, mà trái lại, sẽ làm cho hoạt động khoa học (tọa đàm, hội thảo) được tự do hơn; những nghiên cứu đích thực, có căn cứ khoa học được công bố rộng rãi hơn; những kẻ cơ hội sẽ bị đấu tranh, vạch mặt.
Trở lại vấn đề Trương Vĩnh Ký, một nhà sử học nói rằng Trương Vĩnh Ký là người yêu nước, thậm chí có thể gọi ông ta là nhà văn hóa dân tộc vì “có công” trong phát triển Tiếng Việt (?). Nên nhớ, Trương Vĩnh Ký làm báo tiếng Việt là để kiếm tiền từ chính phủ bảo hộ Pháp, với mục đích tuyên truyền cho chính sách khai thác thuộc địa của Pháp.
Tất nhiên, công việc này của ông ta đã vô tình góp phần vào việc phát triển chữ Quốc ngữ. Việc này tương tự như việc tên trộm chui vào nhà bạn, khi bỏ chạy đã vô tình bỏ lại một con dao quý. Bạn sử dụng con dao đó thấy rất tiện lợi, nhưng không vì thế mà bạn nghĩ rằng, tên trộm đó “yêu quý” bạn.
Nói rằng Trương Vĩnh Ký là người yêu nước, cũng được, nhưng là nước nào? Cứ nhìn huân chương Bắc Đẩu bội tinh và hàng chục thứ lấp lánh khác trên ngực ông ta, khắc rõ!
Tự Nguyên Đệ