Hà Tĩnh: Xúc động Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du
Tối ngày 26/9/2020 tại Trung tâm Văn hoá Điện ảnh, tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hoá thế giới.
Tới dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh uỷ, HĐND, UBND và UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Đình Sơn, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du; truyền thống, văn hoá dòng tộc, gia đình, nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con người Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều. Đồng chí Lê Đình Sơn nêu rõ: " Hà Tĩnh - vùng đất " Địa linh nhân kiệt ", nhân dân từ bao đời nay có truyền thống cần cù trong lao động, yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất, sống nghĩa tình, thuỷ chung; thời kỳ nào cũng xuất hiện những bậc anh hùng hào kiệt. Tiêu biểu như Mai Hắc Đế, Đặng Tất, Đặng Dung, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Ngô Đức Kế; các nhà cách mạng xuất sắc như: Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, danh hoạ Nguyễn Phan Chánh, học giả Hoàng Xuân Hãn, nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu...Tiêu biểu là Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, người đã để lại một di sản văn chương đồ sộ, nhất là kiệt tác Truyện Kiều - đỉnh cao của văn học trung đại Việt Nam, làm rạng rỡ văn hoá dân tộc và quê hương Hà Tĩnh trên trường Quốc tế...
Để tri ân các bậc tiền nhân, chúng ta càng phải có trách nhiệm giữ gìn, bồi đắp những giá trị văn hoá của dân tộc, của quê hương, đặc biệt là những giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều..."
Ông Lê Đình Sơn cho biết: " Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tự hào về con người kiệt xuất, về truyền thống lịch sử, văn hoá quê hương. Hà Tĩnh nguyện cùng nhân dân cả nước giữ gìn, phát huy các di sản của Đại thi hào, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục xây dựng Hà Tĩnh giàu về kinh tế, vững mạnh về chính trị, quốc phòng an ninh, đậm đà bản sắc văn hoá; nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, thoả nguyện ước mơ của Đại thi hào và bao lớp tiền nhân về một xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ, văn minh cho tất cả mọi người... đó là trách nhiệm thế hệ hôm nay để những giá trị văn hoá mang tầm nhân loại của Đại thi hào Nguyễn Du luôn toả sáng mãi mãi...".
Sau bài phát biểu của đồng chí Lê Đình Sơn là Chương trình nghệ thuật " Trăm năm trong cõi " được thể hiện qua 8 trường đoạn: Khai tử, Tuổi thơ trong nhung lụa, Trôi giữa dòng đời, Non hồng tức cảnh, Giao hưởng nhạc vũ kịch Truyện Kiều, Đối thoại với người trong truyện, Văn tế Nguyễn Du, Ngàn năm hậu thế nhớ Nguyễn Du.
Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã kết thúc chuỗi hoạt động diễn ra tuần lễ chào mừng sự kiện văn hoá trọng đại; trong đó có công diễn vở kịch thơ Hoạn Thư ghen; Khai mạc Trưng bày, triển lãm tranh minh hoạ Truyện Kiều và các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Du; Lễ trao giải cuộc thi Tìm hiểu về Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều trong các cơ sở giáo dục; Tổng duyệt chương trình nghệ thuật " Trăm năm trong cõi "; Hội thảo khoa học " Tiếng Việt trong truyện Kiều "; Lễ trao giải thưởng Văn học Nguyễn Du và trao giải cuộc thi " Viết văn tế Nguyễn Du "; Lễ giỗ Đại thi hào Nguyễn Du...
Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên Báo CCB Việt Nam ghi lại trong Chương trình nghệ thuật " Trăm năm trong cõi ".
Lê Anh Thi