Nỗi đau khôn nguôi trên cao điểm 772
CCB Mặt trận Vị Xuyên gặp mặt ngày 14-7-2016 tại Hà Nội.
Tôi gặp ông Đặng Việt Châu - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 vào ngày ra mắt BLL CCB Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (14-7-2016). Đều là CCB, lại biết tôi làm báo nên ông Châu không ngần ngại sẻ chia về những tháng ngày gian khổ, ác liệt “tưởng chừng không vượt nổi” mà ông và đồng đội đã trải qua trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.
Một trong những khoảnh khắc “không thể nguôi ngoai” của ông Châu là trận huyết chiến ngày 12-7-1984, ngày được CCB Sư đoàn 356 lấy làm ngày Giỗ chung cho gần 600 đồng đội đã hy sinh tại Vị Xuyên, Hà Giang.
Từ ngày 28-4 đến 16-5-1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, gồm các cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509 thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 356 được điều từ Lào Cai sang cùng các lực lượng của Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện Chiến dịch MB-84 nhằm chiếm lại các điểm cao đã mất.
Ác liệt nhất diễn ra ở cao điểm 772, mà mũi chủ công là Trung đoàn 876. Đây là một vách núi dựng đứng, không lớn lắm, bao quanh là thung lũng nhỏ. Quân Trung Quốc muốn dùng cao điểm này làm bàn đạp tràn xuống Vị Xuyên, uy hiếp thị xã Hà Giang. Ta hiểu rõ điều đó nên quyết tâm giành lại. Địch ở trên cao phòng ngự, ta ở dưới tiến công nên vô cùng bất lợi.
Ngày 12-7 là ngày mở màn chiến dịch. Ba tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 876 đánh điểm cao 772. Trong đó, Tiểu đoàn 3 được giao nhiệm vụ một mặt thọc thẳng vào sở chỉ huy địch, “mở cửa” điểm D3 trên cao điểm 772; mặt khác luồn vào sau 772 đánh phá trận địa pháo, kho tàng của địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 đánh điểm D1, D2 và chiếm toàn bộ cao điểm.
Vượt đỉnh Cốc Nghè trong mưa lạnh, những người lính chia nhau từng hơi thuốc, ăn gạo sấy trộn nước mưa, lặng lẽ chờ màn đêm xuống là xuất kích. “Báo cáo anh, chiến sĩ xin ăn hết phần cơm sấy, thịt hộp dự phòng” - Đại úy Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh im lặng một lát, rồi nói cứ để cho anh em ăn - “biết ngày mai có còn sống mà được ăn nữa không”!
Đến bây giờ, ông Đặng Việt Châu vẫn xót xa mỗi lần nhớ lại câu nói của đồng đội.
4 giờ 10 phút, có lệnh nổ súng, pháo binh trung đoàn bắt đầu bắn phá các mục tiêu đã định, yểm trợ cho bộ binh tiến công. Quân ta từ các vị trí bật dậy xung phong. Sau loạt bắn đầu tiên, một số trận địa của ta bị địch phản pháo. Suốt buổi sáng, quân Trung Quốc từ những điểm cao chiếm được trước đó nã pháo cày nát từng mét đất dưới chân cao điểm. Vượt qua làn đạn pháo, Tiểu đoàn 3 tiến đến cách lô cốt địch vài chục mét, giành giật với quân Trung Quốc từng đoạn chiến hào. Đồng chí Thìn quân lực bị bay mất một mảng đầu vẫn hô xung phong. Tiểu đoàn trưởng Thanh bị thương hai chân vẫn cố tiến đến gần lô cốt, dùng súng AK bắn hai loạt đạn và kích nổ toàn bộ lựu đạn trên người khiến quân Trung Quốc khiếp vía.
Càng trưa, sương tan hẳn, địch phản kích càng dữ dội. Sư đoàn 356 được lệnh rút khỏi trận địa. Ta không lấy lại được các cao điểm đã mất nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Tuyên.
Tiểu đoàn 3 hy sinh 144 đồng chí, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh.
Cao điểm 772 nay phủ một màu xanh mướt. Ông Châu cho biết, tại đây vẫn còn rất nhiều đồng đội của ông ngã xuống, chưa thể quy tập về được. Mỗi lần trở lại chiến trường xưa, ông cảm thấy anh linh họ vẫn đâu đó quanh đây. Họ vẫn nghe thấy “những người may mắn sống sót như tôi” thổn thức trong bài văn tế: Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Khi Tổ quốc cần tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé nát vai đạn cày rách mặt/ Súng trên tay rực lửa/ Xung phong giữ đất biên thùy.
Và câu chuyện vẫn in hằn trong tâm khảm ông Châu, tựa như một giấc mơ mới ngày hôm qua, nhưng là giấc mơ có thật. Đó là nỗi đau khôn nguôi của những CCB trở về sau cuộc chiến.
Khôi Nguyên