Biểu hiện và cách phòng tránh ngộ độc botulinum
Bệnh nhân ngộ độc Botulinum điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Liên quan đến hàng chục ca nhập viện do ngộ độc Clostridium botulinum từ việc ăn pate Minh Chay gây xôn xao dư luận và gây lo lắng cho nhiều người thời gian qua, TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết các biểu hiện và cách phòng tránh.
Biểu hiện ngộ độc
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Độc tố botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, tuy nhiên nhanh chóng bị phá hủy khi nấu chín (do đó ngộ độc không xảy ra khi ăn thực phẩm mới nấu chín). Sau khi ăn, độc tố botulinum được hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ.
Biểu hiện: Sau khi ăn khoảng 12-36 giờ (có thể tới 1 tuần sau ăn), bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự từ vùng đầu mặt cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm dãi ở họng, khó thở).
Đặc điểm đặc trưng của liệt là liệt mềm, liệt đối xứng hai bên, lan xuống bắt đầu từ vùng đầu xuống chân. Đặc biệt bệnh nhân không có rối loạn cảm giác và bệnh nhân vẫn tỉnh táo (do độc tố không tác động lên não). Tiêu hóa có thể gặp buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân tử vong.
Trường hợp liệt hoàn toàn, nhiều bệnh nhân có giãn đồng tử, giống như hôn mê sâu, mất não mặc dù vẫn tỉnh và biết xung quanh (với điều kiện được cấp cứu, hồi sức hô hấp và không bị thiếu ô xy não).
Trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức. Thời gian liệt kéo dài, trung bình thời gian thở máy ở các bệnh nhân là 2 tháng, có thể lâu hơn và cần nhiều tháng để hồi phục.
“Một vấn đề nữa là khó khăn trong chẩn đoán, phát hiện bệnh nhân do đây là loại ngộ độc đặc biệt, xảy ra không thường xuyên. Biểu hiện ngộ độc lại giống với nhiều bệnh khác như ngộ độc tetrodotoxin (ở cá nóc, bạch tuộc vòng xanh), viêm đa rễ dây thần kinh, nhược cơ… nên rất dễ nhầm khi chẩn đoán. Một số bệnh nhân ngộ độc loại này cũng có thể bị bỏ sót khi liệt xuất hiện nhanh, không có người chứng kiến, khi phát hiện đã tử vong hoặc liệt nặng, không thể giao tiếp do đó không thể kể lại loại thức ăn nghi ngờ và biểu hiện bệnh đặc trưng ở trên” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum
Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường chỉ xảy ra với các loại thực phẩm đóng kín trong môi trường thiếu không khí (trong hộp, chai, lọ, can, lon, bao, túi) trong khi điều kiện sản xuất bị nhiễm bẩn và môi trường bên trong thực phẩm không đảm bảo để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, do đó khi đóng kín cần:
- Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
- Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ đáng lẽ chua nhưng lại không chua).
- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm theo các cách khác nhau (hộp, chai, lọ…) trong thời gian kéo dài và điều kiện không phải đông đá.
- Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).
- Với các thực phẩm đóng gói kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…): bạn cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
Thành An