CCB Nguyễn Đức Lạc tặng quà Trung tâm Thương binh nặng Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Doanh nhân CCB Nguyễn Đức Lạc - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm kinh tế rất thành đạt, nhưng ông “nổi” hơn lại là cách làm sáng tạo trong nhưng hoạt động tri ân Người có công với cách mạng.

Từ mua báo tặng CCB...

Còn nhớ 3 năm trước, năm 2018, cũng đúng dịp Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, ông đến  Báo CCB Việt Nam nhờ Tòa soạn đặt mua Báo CCB Việt Nam hằng năm gửi tặng Hội CCB cấp cơ sở xã, phường, thị trấn và huyện Hội toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi nơi một số Báo CCB Việt Nam.  

Đây là một trong những món quà của cá nhân ông tri ân Người có công với cách mạng mà ông cho là có ý nghĩa và thiết thực hơn, trước khi ông xin thôi giữ chức Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, khi thấy tuổi mình đã cao.  

Đối tượng đầu tiên ông nghĩ đến là các đồng chí lão thành cách mạng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quê hương thứ hai của ông - nơi ông được cưu mang, che chở trong những ngày trận mạc. Và cũng là nơi khi rời quân ngũ ông ở lại làm kinh tế và định cư lâu dài.

Được báo cáo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất ủng hộ sáng kiến độc đáo đó. Tuy nhiên, hầu hết các đồng chí lão thành cách mạng đều đang được cấp các số báo chính của T.Ư và địa phương. Các đồng chí trong tỉnh gợi ý, lại  được Hội CCB tỉnh ủng hộ, ông quyết định mua Báo CCB Viêt Nam tặng Hội CCB 82 xã, phường, thị trấn và các huyện Hội trong toàn tỉnh từ tháng 1-2019.

Thật khó mà nói hết niềm vui của CCB, nhất là CCB ở vùng sâu, vùng xa được đọc Báo CCB Việt Nam do CCB Nguyễn Đức Lạc tặng.

CCB Hoàng Minh Mạnh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh hồ hởi khoe với tôi: “Mỗi cấp Hội cơ sở được ông Lạc tặng thường xuyên một số báo CCB Việt Nam. Nếu nói tiền thì mỗi số báo rất nhỏ, nhưng ý nghĩa thì thât là lớn và thiết thực, thậm chí không đo đếm được. Nhất là các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện, như Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền... thì tờ báo của Hội  với họ quý lắm. Nhiều nơi lần đầu tiên được đọc Báo CCB Việt Nam”.

Như để tôi có “người thực, việc thực”, ông Mạnh giới thiệu Chủ tịch CCB mấy xã để tôi liên lạc. Nhấn máy điện thoại, loáng cái tôi đã gặp được ông Đoàn Công Loan - Chủ tịch CCB xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc.  

Ông Loan nói việc đọc và làm theo Báo CCB Việt Nam cứ như chuyện cổ tích thời nay: “Gần 2 năm nay có Báo CCB Việt Nam hằng tuần chúng tôi đọc luân phiên trong Ban Chấp hành, sau đó gửi xuống các chi hội đọc đầu giờ trong các buổi sinh hoạt. Nhờ có Báo CCB Việt Nam mà biết được hoạt động của Hội ta. Nhất là đọc những bài giới thiệu CCB làm kinh tế, chúng tôi mở mang ra nhiều lắm. Khi nào mời nhà báo về sẽ thấy chúng tôi lưu không thiếu số báo nào...”.

Còn ông Huỳnh Thanh Bình - Chủ tịch Hội CCB xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ thì khoe ngay mô hình nuôi dơi và nuôi bò tại ấp Hội Mỹ của CCB xã, là nhờ học được kinh nghiệm trên Báo CCB Việt Nam. Ông Bình một mực nhờ tôi mời ông Lạc về thăm quê ông để ông được cảm ơn. Ông nói: “Tôi không bỏ sót bài nào trên báo. Bây giờ tôi cũng biết viết báo và cộng tác thường xuyên với tờ Thông tin của Hội CCB tỉnh và Báo Bà Rịa - Vũng Tàu”.

“Tờ báo cần thiết thế sao cơ sở không đặt mua?” - tôi hỏi ông Mạnh. Ông Mạnh thành thực nói: “Có dịp nhà báo đến thăm các hội viên vùng sâu, vùng xa mới thấy họ thực sự khó khăn. Cũng do khó khăn quá mà quỹ Hội chỉ dành để mua được tờ Thông tin của tỉnh Hội và tờ báo của tỉnh, còn lại chỉ đủ để thăm hỏi nhau ốm, đau… Vận động đóng thêm thì không phải hội viên nào cũng đóng được, nên đành thôi. Chính vì khó khăn thế mà tờ báo Hội được ông Lạc mua tặng với họ quý vô cùng...”.

Mấy ông Chủ tịch Hội CCB xã khác cũng có chung tâm trạng, tình cảm với tờ Báo CCB Việt Nam như ông Loan, ông Bình. Và ai cũng hỏi tôi, không biết ông Lạc có mua báo tặng họ được lâu không. Điều này thì chúng tôi đã hỏi ông Lạc ngay từ đầu. Ông Lạc nói rằng nếu cơ sở còn thích đọc báo Hội, còn cần báo thì hằng năm ông còn mua, chỉ khi nào ông không còn khả năng thì thôi.

...đến đáp ứng nguyện vọng của Mẹ Việt Nam anh hùng

Thì ra ngày ông Lạc ra Hà Nội đặt báo chỉ là việc kết hợp. Còn việc chính là ông cùng gia đình và chính quyền địa phương đưa thi hài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Lê Thị Soi, thọ 103 tuổi, từ T.P Vũng Tàu về quê mẹ, thôn Hoàng Kim, xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Mẹ có hai người con hy sinh, tuổi già; Mẹ đến T.P Vũng Tàu dựa vào người con thứ. Nguyện vọng của Mẹ, khi mất được về quê.

Mẹ Soi là 1 trong 3 Mẹ VNAH mà ông Nguyễn Đức Lạc nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Ngoài ra, hằng năm ông còn gửi tiền, quà nhờ CCB tỉnh Tây Ninh phụng dưỡng thêm 3 Mẹ VNAH nữa.  

Hôm mẹ Soi mất, ngày 12-8-2018 lại đúng vào cơn bão lớn đổ dọc miền Trung, gió ào ào, mưa như trút nước. Không phải không có ý kiến để Mẹ tại Vũng Tàu. Nhưng ông Lạc vẫn một mực đề xuất thực hiện theo tâm nguyện cuối cùng của Mẹ.

Không chỉ dành kinh phí lo tang lễ cho Mẹ, ông còn đi vận động các đồng đội thân hữu cùng đóng góp để đủ gửi lại gia đình sau này xây mộ cho Mẹ. Đại tá Hoàng Tùng Lâm - Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Hội CCB Việt Nam đi cùng ông Lạc tiễn đưa Mẹ về nơi yên nghỉ cuối cùng, nói: “Hôm ấy rất kỳ lạ. Cả miền Trung mưa to, gió lớn. Mà xe đưa thi hài Mẹ đi đến đâu tạnh mưa đến đó. Còn cây hai bên đường thì rạp xuống như tiễn biệt Mẹ”.

Đại úy Lê Văn Lâm - cháu đích tôn của Mẹ, nghèn nghẹn nói với tôi: “Gia đình em tạc ghi tình cảm đặc biệt mà bác Lạc dành cho bà em và gia đình. Bác chăm chút bà em đúng như tình cảm của người con hiếu thảo với mẹ... Tình cảm đó đến giờ vẫn trước sau như một”.

Còn những sáng kiến khác trong việc tình nghĩa ông Nguyễn Đức Lạc tham gia mà những người làm báo chúng tôi vẫn đang ấp ủ để dần thực hiện. Ông cho rằng Hội CCB cấp tỉnh, hoặc huyện có thể thành lập Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” giúp các CCB nghèo khó trên địa bàn. Nếu quản lý, sử dụng quỹ thật công khai, minh bạch, lại làm tốt công tác tuyên truyền thì chắc chắn chỉ vài năm sẽ huy động đủ tiền xóa 100% nhà dột nát cho CCB bằng tiền của chính CCB đóng góp. Như thế vừa bớt gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, mà nghĩa tình đồng đội “lúc thường cũng như lúc chiến đấu” lại càng bền chặt. Ông cũng nung nấu sáng kiến thành lập các Câu lạc bộ CCB chữa bệnh - phổ biến chữa bệnh, bằng những cây thuốc truyền thống. Vì CCB trong kháng chiến có rất nhiều kinh nghiệm chữa bệnh quý...

Giới thiệu những việc làm sáng tạo của doanh nhân CCB Nguyễn Đức Lạc chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều “mạnh thường quân” như ông Lạc, đưa công việc tri ân trở thành nét đẹp truyền thống của CCB chúng ta - những người mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Nhật Huy