(Untitled)
Giữa những ngày tháng 7 này, chúng tôi đã có dịp về thăm Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh nặng Liêm Cần (tỉnh Hà Nam) - Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2005) do có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phục vụ, chăm sóc thương bệnh binh nặng trong những năm qua.
Tọa lạc tại vùng quê yên ả thuộc xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh nặng Liêm Cần với những dãy nhà thấp tầng, những hàng cây xà cừ, vườn hoa... trông thật gọn gàng, sạch đẹp... Vào tháng 6-1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên cả hai miền Nam, Bắc đang hồi quyết liệt, thương binh từ các mặt trận chuyển về hậu phương miền Bắc để điều trị và an dưỡng ngày càng nhiều, Trung tâm được thành lập với tên gọi đầu tiên là Trại an dưỡng thương binh, rồi Trại thương binh II Nam Hà, rồi Khu điều dưỡng thương bệnh binh nặng Hà Nam Ninh và từ năm 1987 đến nay với tên gọi Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh nặng Liêm Cần, trở thành địa chỉ quen thuộc, tin yêu với bao lớp thương bệnh binh và nhân dân trên mọi vùng miền cả nước. 37 năm thành lập và hoạt động là cả 37 năm các thế hệ cán bộ, nhân viên Trung tâm phấn đấu không ngừng nghỉ, thay mặt Đảng, Nhà nước, nhân dân chăm sóc, nuôi dưỡng, tri ân các thương binh, bệnh binh, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với những người đã cống hiến máu xương cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc.
Đưa tôi đi thăm các khu của Trung tâm, anh Đinh Công Thuấn - Phó phòng Tổ chức, Phó chủ tịch Hội CCB nhiệt tình giới thiệu các dãy nhà khang trang là nơi ở của các thương binh nặng, là khu nhà ăn, là trạm xá, hội trường, phòng truyền thống... Nhà ở đây đều thấp tầng để phù hợp với sinh hoạt của các thương binh nặng, phòng nào cũng rộng rãi, có khu vệ sinh, bàn ghế, ti vi... Đặc biệt, trong các khu nhà, không có bậc tam cấp mà từ nền nhà xuống sân đều được xây lát thoải dần cho anh em thương binh đi lại bằng xe lăn được dễ dàng. Anh cho biết, thời gian đầu khi mới thành lập, cơ sở vật chất của Trung tâm còn thiếu thốn lắm, chỉ có mấy dãy nhà tranh tre kiểu doanh trại để làm nhà ăn, nhà kho. Vậy mà, lượng thương binh, bệnh binh về Trung tâm lúc ấy lại rất lớn, lúc cao điểm lên tới hàng ngàn người .Tính tổng cộng đến nay có 2.790 đồng chí, trong đó có 602 thương binh nặng .Thương binh được biên chế thành từng trung đội ở trong nhà dân, đến buổi các chị nuôi gánh cơm đến từng nhà chia cho thương binh... Phục vụ ngần ấy thương binh, cả Trung tâm có đúng 100 cán bộ, công nhân viên; mọi công việc đều hoàn thành tốt đẹp. Đội ngũ nhân viên của đơn vị là những người không ngại khó khăn gian khổ .Vì điều kiện chật hẹp, có người hàng tháng trời cứ đêm đến lại ngủ trên bàn làm việc đơn sơ ở Trung tâm, không màn, không chiếu để phục vụ thương binh... Thành tích của đơn vị trong công tác điều dưỡng, chăm sóc thương binh có rất nhiều. Những năm đầu tiên sau giải phóng miền Nam, Trung tâm đã tổ chức được 12 lớp dạy cắt may cho 255 TBB, tổ chức ôn văn hóa được 11 lớp cho 921 đồng chí, trong đó 87% đã đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; tổ chức dạy chữ nổi Brai cho 21 thương binh hỏng mắt... 1.285 TBB đã được đi học, chuyển ngành; 1.002 đồng chí được về phục viên, mất sức. Từ 100 cán bộ nhân viên, biên chế của Trung tâm cũng được thu gọn lại như hiện nay với 42 người. Sau khi giải quyết cho các đồng chí thương binh nhẹ đi học, chuyển ngành và phục viên, đơn vị còn 604 thương binh nặng có tỷ lệ thương tật cao. Qua thực tế khảo sát, thấu hiểu nguyện vọng của anh em TBB và gia đình họ, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các cấp chính quyền, các cán bộ của Trung tâm đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương đưa tiễn chu đáo 464 thương binh nặng trở về gia đình... Chính từ việc làm hiệu quả cao này, Bộ LĐ-TBXH đã thẩm định làm căn cứ ra Chỉ thị số 05 về việc đưa TBB nặng về an dưỡng tại gia đình, áp dụng trên toàn quốc. Được Bộ LĐ-TBXH chấp thuận và tạo điều kiện, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng luân phiên cho TBB nặng từ quý IV-1994 và đến năm 1998 mở rộng thêm 9 đối tượng người có công khác, bình quân hơn 5.000 lượt người/năm... Một thành tích đáng kể khác của Trung tâm điều dưỡng TBB nặng Liêm Cần là đã tổ chức cai nghiện mooc phin - dolagal thành công cho 20 TBB nghiện và giữ hoàn toàn cho anh em không tái nghiện cho đến nay. Một thời gian dài trước đây, nhắc đến TBB nghiện ở Trung tâm Liêm Cần ai cũng ngại. Trong quá trình phẫu thuật và điều trị vết thương, nhiều thương bệnh binh phải dùng moocphin và dolagal, lâu ngày và nhiều lần dẫn đến nghiện nặng... Đơn vị đã đưa các đồng chí này đi cai nghiện ở các Trung tâm cai nghiện ma túy nhưng đều chỉ là cắt cơn tạm thời rồi tái nghiện... Thế là, một nhiệm vụ mới ngoài kế hoạch đến với cán bộ, nhân viên nơi đây; thường xuyên phải có hàng chục hộ lý, y bác sĩ nhân viên bảo vệ trực xử lý, kìm chế, giải tỏa khi anh em lên cơn nghiện kèm đó là chửi bới, đập phá, hành hung, rồi đi xin tiền, cờ bạc đỏ đen... làm mất danh dự người thương binh, người CCB. Ngoài tuyên truyền vận động, các đoàn thể quần chúng trong Trung tâm dùng dư luận buộc người nghiện phải chịu sự quản lý của đơn vị, thành lập trung đội mạnh (phần lớn là các TBB tại trung tâm) để ngăn chặn mọi hành vi quá khích, Ban giám đốc trực tiếp quản lý tủ thuốc, quản lý các nguồn thu... Hết lòng thương yêu, tôn trọng, bảo vệ người nghiện TBB, cách ly với bên ngoài kiên trì hằng năm trời, do vậy 100% số TBB bị nghiện đã cai hẳn được và đến nay không một ai tái nghiện. Danh dự người thương binh, danh dự người CCB được bảo toàn; cả 34 TBB nặng đang được điều trị ở đây đều trở thành những hội viên CCB gương mẫu. Đến thăm dãy nhà gồm 10 căn hộ của gia đình các TBB nặng ở Trung tâm, vào thăm gia đình các TB nặng đặc biệt Đoàn Quốc Việt, Hà Quang Sơn, Lê Văn Thành... chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng. Trong các căn hộ chừng 40 mét vuông ấy của các TB nặng, cuộc sống vật chất khá đủ và vui hơn là con cái của các TBB ấy đều chăm ngoan, học giỏi, hơn 80% các cháu đã đỗ và học đại học, nhiều cháu có việc làm ổn định, đã dựng vợ, gả chồng... Trong Trung tâm điều dưỡng TB nặng Liêm Cần, nay đã có tiếng trẻ thế hệ thứ ba của các TBB khóc, cười, bi bô học bài... mang lại không khí thật đầm ấm, hạnh phúc trong cuộc sống của các TBB nặng đang được điều dưỡng nơi đây.
Nói về Trung tâm điều dưỡng TBB nặng Liêm Cần là nói về các cán bộ, nhân viên ở đây . Phần lớn cán bộ, nhân viên ở đây đều đã gắn bó với Trung tâm từ thời kỳ đầu. Điều đáng nói là trong số 42 cán bộ, nhân viên thì có hơn 30 người đã trải qua quân ngũ, trong đó có Giám đốc Trần Văn Kỷ - thương binh hạng 2/4, anh Chu Văn Thung- Phó giám đốc, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội CCB; anh Đinh Công Thuấn, các chị Đỗ Thị Chiên, Lê Thị Chung, anh Trịnh Hữu Ngôn... ai cũng hết lòng vì đơn vị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 34 anh em thương binh nặng đang được điều dưỡng ở Trung tâm cũng đều là những hội viên CCB tích cực của Hội. Các TBB và cán bộ, nhân viên ở Trung tâm luôn đoàn kết, gắn bó xây dựng Trung tâm vững mạnh về mọi mặt. ở Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Liêm Cần lúc nào cũng ấm áp tình người.