Sau nhiều lần hẹn gặp, tôi đến thăm và trò truyện cùng vị lão thành cách mạng Cao Quang Chức, sinh năm 1922, CCB, 70 năm tuổi Đảng; quê quán: xóm An Bình, xã Đô Quan, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; hiện trú tại số 26, ngõ 93, phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, T.P Hà Nội, bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào.        

Như đã hẹn trước khi tôi đến, bước ra cửa mời tôi vào nhà là cụ ông dáng đi nhanh nhẹn, phong thái niềm nở, ông mời tôi vào nhà và chuyện về một thời đánh giặc trở thành chủ đề chính của cuộc gặp gỡ. Trong câu chuyện, nhớ về những tháng năm quân ngũ, ông Chức xúc động nói: Hôm nay đất nước kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tôi lại nhớ về những ngày đầu, tôi trở thành chiến sĩ tự vệ chiến đấu ở Lào:

- Tháng 10-1945, tôi là tự vệ chiến đấu ở phân hội Phan Đình Phùng, Viên Chăn, Lào. Chưa tròn 1 tháng sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Pháp đã trở lại xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Chỉ một thời gian ngắn, Mặt trận Thà Khẹt, Lào bị vỡ. Ngay sau đó, đơn vị tự vệ chiến đấu của chúng tôi được lệnh cùng kiều bào tản cư sang Đông bắc Thái Lan. Đến tháng 5-1946, đơn vị tôi hành quân vào chiến khu Viên Khúc, tỉnh Noong Khai, Thái Lan. Tại đây tôi được huấn luyện trở thành cán bộ trung đội Việt kiều yêu nước. Đơn vị có nhiệm vụ vượt sông Mê Kông sang nước bạn Lào chiến đấu ở các vùng Pạc Sang, Thà Pốc, Nậm Hy... Đúng vào mùa mưa, gặp rất nhiều khó khăn, lại thêm cơ sở cách mạng chưa có, nên đơn vị chuyển lệnh hành quân vượt sông Mê Kông trở lại chiến khu Phôn Pi Xây, Noong Khai, Đông bắc Thái Lan. Để tăng cường cán bộ tại chiến khu này, tôi được cử đi học một khóa học quân sự tại tỉnh U Bôn, Thái Lan. Trong lúc này tình hình ở Đông bắc Thái Lan đang rất bất ổn. Tại đây, địch tăng cường khủng bố, bắt giữ kiều bào ta tại Thái Lan đang tìm cách trở về nước hoặc tổ chức chi viện cho quân đội trong nước kháng chiến chống thực dân Pháp.  

Để đối phó với tình hình trên, Ban Cán sự Đảng Đông Dương, Tổng hội Kiều bào yêu nước được nhân dân Thái Lan ủng hộ, đã tổ chức thành 3 binh đoàn mua vũ khí, đạn, thuốc... chuyển về nước, tiếp tế cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với 2 binh đoàn về miền Nam Việt Nam lúc này, tôi được biên chế thuộc binh đoàn Trấn Linh, có nhiệm vụ mang vũ khí đạn, đạn dược, thuốc... về Khu 4 ở Thanh Hóa; đồng thời tháp tùng đoàn cán bộ Ngoại giao Việt Nam gồm bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và các ông Vũ Hữu Bình, Nguyễn Hữu Chỉnh... Đoàn về đến Đầm Lược, Thọ Xuân, Thanh Hóa, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau khi về nước, binh đoàn Trấn Linh chọn ra 1 tiểu đội, gồm 11 người, trong đó có tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt: Mỗi người mang 30kg vàng sang Đông Bắc, Thái Lan giao cho Ban Cán sự Đảng Đông Dương. Nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, chúng tôi được lệnh hành quân qua đường số 7, từ Diễn Châu, Nghệ An lên Cửa Rào, Mường Xén để sang Lào. Đang trong lúc hành quân, chúng tôi nhận được tin báo địch đóng đồn chặn tại Mường Mô, Mường Mọc... trên đất Lào. Để đảm bảo an toàn cho đơn vị, cấp trên đã kịp thời lệnh cho Trung đoàn Quang Trung thuộc Quân khu 4, đánh địch, xóa các đồn địch ở đây; tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị chúng tôi vượt sông Mê Kông sang Đông bắc Thái Lan. Tôi cùng đơn vị tiếp tục hành quân xuyên rừng, vượt suối đến tỉnh U Don, Thái Lan, để bàn giao cho số vàng cho Ban Cán sự Đảng Đông Dương.

Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi trở lại hoạt động tại Thủ đô Viên Chăn, Lào và tiểu đội chúng tôi trở thành một trong những đơn vị nòng cốt của liên quân Lào - Việt. Năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương tiến hành Đại hội lần thứ II, ra quyết định, tách lực lương liên quân Lào - Việt thành lực lượng của mỗi quốc gia, quân đội Lào, Itxala, quân đội Việt Nam, bộ đội tình nguyện Việt Nam... Những năm tháng sau đó, tôi thuộc lực lượng bộ đội tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào cho đến ngày ra quân...”.

Trở về địa phương, CCB Cao Quang Chức tích cực tham các phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa”, hội viên CCB, hội viên Hội Người cao tuổi, được khu phố dân cư tín nhiệm tin tưởng, luôn xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ.

CCB Cao Quang Chức kể  - Hữu Thuận ghi