Sputnik V - cuộc đua ngã ngũ?
Ông Alexander Gintsburg - Viện trưởng Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya ở Moscow (Nga).
Thế giới chấn động sau thông báo của Tổng thống Nga - Vladimir Putin về việc Nga đã phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19 hôm 11-8. Thế nhưng, sau chấn động ấy là những dư chấn về sự hoài nghi về quá trình phát triển loại vaccine này cũng như tính khả thi của nó. Dù gì, Nga cũng trở thành nước đầu tiên trên địa cầu công bố chính thức việc phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19.
Không phải ngẫu nhiên mà cái tên Sputnik V được đặt cho loại vaccine này. Thời chiến tranh lạnh đang ở đỉnh điểm, việc Nga bất ngờ phóng thành công vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo ngày 4-10-1957 đã khiến nước Mỹ sửng sốt. Nga - đối thủ chính của Mỹ khi đó, đã đi trước Mỹ trong việc chinh phục vũ trụ, khiến Mỹ phải gấp rút nghiên cứu và đầu tư vào cuộc chạy đua này. Lần này cũng vậy, khi Covid-19 đang khuynh đảo, đẩy lùi sự phát triển toàn cầu, thì Nga lại bất ngờ đưa ra Sputnik V, loại vaccine được hứa hẹn sẽ được sản xuất đại trà vào tháng 10 và xuất khẩu vào tháng 11-2020, muộn nhất là tới đầu năm 2021.
Giới kinh tế, chính trị hiểu rõ những món hời khi kinh doanh hai lĩnh vực: Vũ khí và tân dược bởi nhu cầu buộc phải có của bên mua và tính độc quyền, đẩy giá của bên bán. Vaccine ngừa Covid-19 rõ ràng là nhu cầu cấp bách mà quốc gia nào sớm phát triển được ắt sẽ có nhiều lợi thế hơn. Do vậy, kể cả khi chưa xuất hiện Covid-19 thì mọi quốc gia có khả năng, nhất là Mỹ, các nước phương Tây và Trung Quốc, đều đầu tư vào nghiên cứu các loại vaccine và tìm cách thôn tính các công ty nghiên cứu dược phẩm lớn. Vậy nhưng, tin chiến thắng lại đến từ Nga, dấy lên hoài nghi về tính hữu dụng của loại vaccine này.
Có nhiều yếu tố giúp khẳng định Sputnik V là vaccine đáng tin cậy. Thứ nhất, Tổng thống Putin không thể đem sinh mệnh chính trị của chính mình và của cả nước Nga ra làm trò đùa trong hoàn cảnh cả thế giới, và cả chính nước Nga, cũng đang bị Covid-19 tấn công dữ dội. Thứ hai, bên cạnh việc công bố việc vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng, ông Putin cũng tiết lộ chuyện chính con gái ông đã được tiêm loại vaccine này. Thứ ba, với uy tín của Nga, đã có nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đặt mua Sputnik khi nó được sản xuất hàng loạt để xuất khẩu với giá cả phải chăng. Thứ tư, và quan trọng nhất, nền y học của Nga không phải từ Covid-19 mới có mà là kết quả của việc kế thừa những nghiên cứu từ thời Xô viết.
Ngày 15-8, ông Alexander Gintsburg - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gamaleya, nơi phát triển Sputnik V, cho biết kinh nghiệm quý giá từ việc nghiên cứu phát triển vắc xin phòng ngừa dịch Ebola và MERS đã giúp Nga tạo ra được vắc xin ngừa Covid-19 nhanh hơn mong đợi. Theo ông Gintsburg, mặc dù Sputnik V được phát triển chỉ trong 5 tháng, vắc xin này không tự dưng mà có. Ông tiết lộ, cả một thế hệ các nhà công nghệ sinh học, virus học, nhà nghiên cứu miễn dịch... đã dành hơn 20 năm phát triển công nghệ đã được sử dụng để tạo ra vắc xin này, cùng ít nhất 6 loại thuốc trị bệnh.
Tuy vậy, nhiều quốc gia, nhất là các đối thủ cạnh tranh của Nga sẽ không tin việc Nga phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19 là sự thực. Lý luận của họ cũng đáng quan tâm bởi Sputnik V chưa được thử nghiệm đại trà như quá trình phát triển những loại vaccine khác. Bên cạnh đó, vaccine có thực sự thành công hay không còn cần có thời gian kiểm chứng, mà thời gian lúc này lại quý hơn vàng bởi nó là mạng sống, là sinh mệnh của phần lớn các dân tộc trên thế giới hiện nay.
Nếu Sputnik V chứng tỏ uy lực là loại vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả, chắc chắn nó sẽ đưa nước Nga và toàn thế giới vào một quỹ đạo phát triển mới, và có thể sẽ giúp kết thúc cuộc đua tìm vũ khí bảo vệ loài người trước loại virus nguy hiểm này. Thế nhưng, y học luôn có tính kế thừa, kể cả trong trường hợp Sputnik V là thành công, việc các quốc gia khác phát triển được những loại vaccine khác hiệu nghiệm hơn, dễ phát triển hơn, giá rẻ hơn và ít nguy hiểm hơn vẫn là điều vẫn thường xảy ra để giúp xã hội loài người tiếp tục phát triển.
Thanh Huyền