Giải phóng những vùng “đất chết”
Các chiến sĩ Lữ đoàn 543 dò gỡ bom mìn tại tỉnh Lào Cai.
Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng còn biết bao vùng đất trên đất nước ta nói chung và trên các tỉnh thuộc khu vực biên giới phía Bắc nói riêng còn tồn sót lại bom mìn, vật liệu nổ. Những vùng đất chứa đựng bao “mầm chết” đã trở nên hoang hóa và hơn thế nữa, nhiều hài cốt liệt sĩ (HCLS) vẫn còn nằm lại ở những nơi mà chưa thực hiện tìm kiếm quy tập được. Vì vậy, việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh để giải phóng các vùng “đất chết” không chỉ mang giá trị kinh tế, xã hội thông thường mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn và ghi nhớ sâu sắc công lao của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, nhất là đối với thân nhân gia đình liệt sĩ.
Là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ rà phá mìn, vật liệu nổ ở các tỉnh biên giới phía Bắc, Lữ đoàn Công binh 543, Quân khu 2 luôn quán triệt, giáo dục kỹ tình hình nhiệm vụ cho từng cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó, công việc thầm lặng làm sạch môi trường đất được các chiến sĩ trong Lữ đoàn thực hiện rất tận tâm, hiệu quả.
Một ngày đầu thu ở xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, tuy đã gần hết giờ làm việc buổi sáng nhưng Đại úy Lê Ngọc Tú - Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Công binh 543 vẫn miệt mài chỉ huy đội dò gỡ bom mìn làm việc. Mỗi chiến sĩ một thiết bị, rà đi rà lại nhiều lần trên từng vạt đất được chăng dây, đánh dấu khu vực cẩn thận.
Trong ít phút giải lao, Đại úy Lê Ngọc Tú chia sẻ:
- Cuộc sống, công việc của đơn vị chủ yếu ở khu vực biên giới, nơi xảy ra chiến tranh trước đây. Là vùng núi cao, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Bộ đội làm việc với cường độ cao, nguy hiểm rình rập, nơi ở thì tạm bợ, thiếu thốn nhiều mặt. Nhưng bù lại anh em có tinh thần trách nhiệm cao, say mê công việc và đi đến đâu cũng đều được chính quyền và bà con địa phương nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện về mọi mặt, nên dù gian khổ đến mấy anh em đều vượt qua.
Nhờ sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ nên việc rà phá bom, mìn, vật liệu nổ thuận lợi hơn trước. Đơn vị dùng các loại máy dò tìm có nhiều tính năng, có thể phát hiện bom, mìn có độ sâu 3m. Thực hiện nhiệm vụ này giai đoạn 2018-2020, Quân khu giao Lữ đoàn 543 đảm nhiệm dò gỡ mìn, vật liệu nổ có diện tích rộng 150ha trên địa bàn xã Bản Lầu và Lùng Vai, huyện Mường Khương. Khu vực này thuộc bãi mìn loại 1, rừng loại 1, đất cấp 2 cần phải được giải quyết sớm. Do vậy đội dò gỡ bom mìn của Lữ đoàn 543 phối hợp với công binh địa phương làm từ tháng 5 năm 2019 đến nay hoàn thành được khoảng 90% công việc đã định.
Đại úy Lê Thanh Bình là người có thâm niên gần 15 năm chuyên dò gỡ bom mìn ở các khu vực biên giới. Anh không những giỏi chuyên môn, thông thạo địa hình mà còn tích cực hướng dẫn, kèm cặp các chiến sĩ mới vào nghề. “Công việc này không được phép sơ sểnh hoặc sai sót, vì sẽ gây nên hậu quả rất khôn lường, nên các chiến sĩ phải được bồi dưỡng, kèm cặp cẩn thận” - Lê Thanh Bình cho hay.
Qua tìm hiểu được biết, Lữ đoàn Công binh 543 đang dò gỡ bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh và thi công các công trình quân sự trọng yếu trên địa bàn 11 tỉnh, thành. Mỗi đội công tác có từ 25-30 người. Tất cả chỉ ở nhà tạm bằng tranh tre lứa lá hoặc nhà bạt. Trước khi vào thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ đều được tuyển chọn kỹ về sức khỏe, đức tính cẩn thận; huấn luyện bổ sung về kỹ thuật, nắm chắc tính năng, cấu tạo và cách sử dụng máy dò gỡ. Phân công giao nhiệm vụ cho các tổ, bộ phận có những chiến sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi thao tác. Quá trình làm việc luôn có cán bộ phụ trách, theo dõi; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân sở tại và báo cáo về sở chỉ huy tiến độ, kết quả công tác trong ngày.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Doãn Mạnh - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 543 cho biết:
- Dò gỡ bom mìn còn tồn sót sau chiến tranh là một nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong 2 năm qua, đơn vị đã dành nhiều công sức, trí tuệ và cơ sở vật chất trang bị, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ này. Tất cả đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Bài và ảnh: Đào Duy Tuấn