Quên quá khứ
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
“Nếu không có Đảng, Quân đội rèn luyện, không có dân chăm nuôi, bảo vệ thì làm sao có ngày hôm nay. Dù làm đến chức gì, ở vị trí cao đến mấy cũng không được quên quá khứ, không được quên nhân dân. Ai quên quá khứ là quên chính mình” - đó là những lời tâm sự mộc mạc của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong cuốn sách “Lê Khả Phiêu, những điều tâm đắc” do Nhà xuất bản Thế giới phát hành.
“Ai quên quá khứ là quên chính mình”, điều đó lý giải vì sao có không ít cán bộ cấp cao, tướng lĩnh từng là Anh hùng, Dũng sĩ trong các cuộc kháng chiến, cứu quốc vô cùng gian khổ, nhưng vào thời bình thì họ nhanh chóng bị “viên đạn đọc đường”, bị lối sống thực dụng chi phối, bị đồng tiền làm lóa mắt, từng bước suy thoái về lối sống, đánh mất lẽ sống dẫn đến xa dân, sa đọa, xa hoa...
Câu chuyện một người mẹ trong khu căn cứ cách mạng trách một vài cán bộ “Ngày trước con đi bằng hai chân, nhưng mẹ có việc gì là con đến liền. Nay con đi bốn bánh (ô tô) nên bao năm rồi chưa ghé thăm mẹ...”.
Đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư tháng 12-1997, có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất của Đảng ta, đất nước ta. Nói đặc biệt vì gần như cả cuộc đời ông gắn bó với các chiến trường, suốt hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp; rồi 10 năm ở chiến trường Campuchia giúp bạn. Mãi năm 1988, khi Quân đội ta hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, ông mới từ chiến trường về nước nhận chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Như vậy, từ khi được Đảng điều vào Quân đội năm 1950 cho đến năm 1988, ông có gần 40 năm lăn lộn trên các chiến trường, kinh qua hầu hết các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội.
Chuyện kể rằng, khi được bầu làm Tổng Bí thư, ông ý thức rất rõ mình cần được bổ sung kiến thức kinh tế - xã hội để làm tròn trọng trách của người lãnh đạo Đảng, lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đổi mới. Các giáo sư kinh tế hàng đầu của đất nước cũng chia sẻ và khâm phục sự ham học, ham tìm hiểu của ông. Nói ý này để thấy, mặc dù bận trăm công nghìn việc “quốc gia đại sự” nhưng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không bao giờ quên quá khứ. Đi thăm lại các vùng căn cứ kháng chiến, bao giờ ông cũng sắp xếp thời gian về tận nhà thăm lại các mẹ, các gia đình có công từng che chở, nuôi giấu cán bộ. Và ai cũng biết, ông là người có công đầu trong việc khẳng định (nói đúng ra là khôi phục) vị trí, vai trò của người Anh Cả (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự kính trọng của ông đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là câu chuyện vô cùng cảm động, là bài học đáng để truyền đời cho hậu thế về cung cách ứng xử với các bậc “khai quốc công thần”.
Chính vì không quên quá khứ, nên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vô cùng mạnh mẽ trong cuộc chiến chống giặc nội xâm, chống quan liêu, tham nhũng. Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tuy chỉ đạt được kết quả bước đầu, chưa trọn vẹn, chưa như mong muốn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhưng sẽ được nhắc đến với một vị trí quan trọng trong lịch sử công tác xây dựng Đảng. Bởi nếu không có người nhóm lửa thì không bao giờ có “lò rực cháy”. Công cuộc “đốt lò” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động và đang thu được những thành tựu đáng khích lệ hiện nay; một phần là sự kế tục “ngọn lửa” mà đồng chí Lê Khả Phiêu đã nhóm lên từ nhiệm kỳ Khóa VIII; một phần là đã rút ra được những bài học từ thành công cũng như hạn chế trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2), Khóa VIII.
Vào những ngày này, một trong những câu chuyện được dư luận quan tâm là vấn đề “hậu duệ”. Những chuyện “cử nhân cờ vua”, cậu bé có “huy chương chọi chim” thăng tiến thần tốc lên ngôi quan cấp tỉnh làm những người đảng viên đích thực có lương tri rất đau lòng. Những người mang danh đảng viên, đã từng giơ tay thề trước Đảng kỳ, Quốc kỳ, quyết cống hiến hy sinh vì “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” bỗng chốc trở nên những “quan phụ mẫu”, những kẻ “ăn trên ngồi trốc” chỉ lo vun vén cho con cái, họ hàng; chỉ lo “vinh thân phì gia”; họ quên béng lời thề trước Đảng, họ quên hết các thế hệ cách mạng đời trước đã chiến đấu hy sinh để những người cộng sản Việt Nam có cơ đồ hôm nay...
Họ chính là những kẻ quên quá khứ đáng lên án nhất.
“Ai quên quá khứ là quên chính mình”, lời tâm sự của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn vẹn nguyên tính thời sự cho mỗi người chúng ta hôm nay.
Thanh Hà