Doanh nhân CCB Đỗ Cao Tuyển: Học để làm, làm để học
Doanh nhân, CCB Đỗ Cao Tuyển (bên trái) giới thiệu với các CCB về sản phẩm tại xưởng gỗ gia đình.
Những ngày giữa tháng 7 linh thiêng này, tôi may mắn được ngồi tâm sự với doanh nhân, CCB Đỗ Cao Tuyển, ở thôn Cổ Dũng 2, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nghe ông dãi bày chúng tôi mới càng thấy những khó khăn và sự nỗ lực vươn lên của những người lính trở về sau chiến tranh.
Ông Tuyển kể: Năm 1990, ông xuất ngũ trở về địa phương với hai bàn tay trắng. Khi đó hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vợ con thì nheo nhóc; sức khỏe của ông lại có hạn… Thế là ông lao vào làm kinh tế quyết tâm mở nghề mộc, với mong muốn xóa đói, thoát nghèo và có tiền cho con được đi học.
Bản lĩnh của người lính Cụ Hồ rèn luyện cho ông khi phách không chịu khuất phục trước khó khăn. Không có vốn ông mạnh dạn vay vốn; không có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh ông mầy mò học hỏi từ anh em, bàn bè, đồng đội; học hỏi người có kinh nghiệm hơn; học hỏi trong sách, báo…
Nghe ông chia sẻ thì khó nhất của nghề mộc là đầu ra của sản phẩm. Để những sản phẩm mình làm ra được thị trường chấp nhận quả thật không phải là dễ, vì trong cơ chế thị trường “thuận mua, vừa bán”, hơn nữa đồ gỗ còn đòi hỏi cả thẩm mỹ, mẫu mã... Mình không thể bắt người ta mua hàng của mình được. Mà không bán được hàng cũng đồng nghĩa với ngừng sản xuất, còn vốn thì khê đọng... Thế là ông đi khắp nơi tìm hiểu nhu cầu, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để về thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, bán với giá phù hợp nhằm tạo uy tín giữ mối quan hệ làm ăn lâu dài.
Phương châm của ông là “lấy ngắn nuôi dài”, từng bước khẳng định giá trị sản phẩm. Việc sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình dần ổn định, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, đa số khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng.
Khi kinh doanh có lời, ông Tuyển lại đầu tư mua máy móc, mở rộng sang cả sản xuất bao bì để vừa tận dụng sản phẩm từ gỗ, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động. Hiện nay, quy mô nhà xưởng của gia đình ông đã mở rộng hơn 5.000m2, mỗi năm thu lợi 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động là người thân, CCB, bộ đội xuất ngũ, với thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và bao bì, CCB Đỗ Cao Tuyển còn là Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Đông La với hơn 1.526 thành viên.
Chia sẻ về “nghề tay trái” này ông Tuyển cho biết, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ông thấy nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân còn rất lớn, trong khi nhiều gia đình, cá nhân muốn phát triển sản xuất, kinh doanh lại thiếu vốn đầu tư. Từ thực tế đó, ông lại quyết tâm đi học hỏi thêm kinh nghiệm hoạt động tín dụng của Quỹ Tín dụng nhân dân ở các địa phương trong tỉnh. Và đến năm 2009, ông đăng ký thành lập Quỹ Tín dụng nhân dân Đông La.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi của mình, nhiều năm liền doanh nhân, CCB Đỗ Cao Tuyển được T.Ư Hội CCB Việt Nam, Hội CCB tỉnh, UBND huyện Đông Hưng tặng bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, tấm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng năm 2014 vừa là vinh dự lớn, vừa là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực ham học hỏi và nhưng đóng góp vì cộng đồng của ông.
Hiện, ông là một trong những tấm gương tiêu biểu “Doanh nhân, CCB làm kinh tế giỏi” của huyện Đông Hưng. Ông “bật mí” với tôi: “Năm sau đến, hy vọng tôi sẽ giới thiệu được với chị một nghề mới nữa”.
Xem dự án và chồng sách, tài liệu ông đang nghiên cứu tôi càng hiểu: “Học để làm và làm để học” là kinh nghiệm giúp ông thành đạt.
Bài và ảnh: Thu Huyền