Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng (1.8.1930 - 1.8.2020): Công tác Tuyên giáo Hội CCB Việt Nam - Góp phần làm sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Trung tướng Nguyễn Song Phi phát biểu tại Lễ phát động “Cựu chiến binh Việt Nam gương mẫu tham gia và tuyên truyền vận động nhân dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông” tại Thanh Hóa.
Hơn 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Hội CCB Việt Nam, công tác tuyên giáo luôn phát huy vai trò, vị trí của mình; góp phần làm sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong môi trường công tác mới, xây dựng các tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8), phóng viên Báo CCB Việt Nam có cuộc phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Song Phi - Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
PV: Thưa Trung tướng Nguyễn Song Phi, Bộ đội Cụ Hồ là tài sản quý báu, niềm vinh dự, tự hào; vì thế, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ là trách nhiệm của CCB Việt Nam. Vấn đề này được thể hiện như thế nào?
Trung tướng Nguyễn Song Phi: Bộ đội Cụ Hồ - danh xưng được nhân dân trao tặng, thể hiện nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của QĐND Việt Nam. Những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ có nguồn gốc từ bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam; từ sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Bác Hồ, của Quân đội; sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện không ngừng của mỗi một quân nhân và trở thành bản sắc văn hóa riêng của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong QĐND Việt Nam.
Vậy nên, đội ngũ CCB, cựu quân nhân (CQN) là những người đã được rèn luyện, thử thách, trưởng thành trong môi trường văn hóa quân đội, trở về với đời thường luôn luôn mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và tiếp tục làm cho những giá trị cao quý ấy tỏa sáng trong cuộc sống, trở thành những tấm gương về tinh thần yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
PV: Đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch nói rõ hơn về sự kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ của các thế hệ CCB và CQN trong môi trường mới?
Trung tướng Nguyễn Song Phi: Trước hết chúng ta phải khẳng định rằng để tạo nên sự kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa đó, có vai trò quan trọng của công tác tuyên giáo; vì công tác tuyên giáo mang cả nội hàm rất rộng, bao gồm công tác tuyên truyền giáo dục, chính trị tư tưởng, lập trường quan điểm…, định hướng hành động cho mỗi quân nhân nói chung cũng như CCB; chính vì vậy, CCB Việt Nam luôn luôn ý thức được được điều đó để có phương hướng và biện pháp để Hội CCB các cấp tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và vận động nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; chủ động ngăn chặn, đấu tranh với những quan điếm sai trái, phản động và âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Gần đây nhất, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Hội CCB các cấp đã có nhiều nội dung hình thức tuyên truyền sáng tạo; nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả như các phong trào “CCB chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, “CCB tình nguyện tham gia các tổ công tác”, “Mỗi CCB là một tuyên truyền viên tích cực phòng, chống dịch Covid-19”... tạo nên sự tin tưởng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân chung tay cùng các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc; thực hiện tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ “Chống dịch như chống giặc”.
Công tác tuyên giáo cũng tham gia vào một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là thực hiện phong trào giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp, đóng góp chung cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Hội CCB đã phát động phong trào “CCB gương mẫu”, đây là nét riêng và rất hiệu quả của CCB, cùng với nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Từ các phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc, gương mẫu, đi đầu trong các cuộc vận động, các phong trào ở địa phương, với những nét đặc trưng nổi bật là sự khát khao cống hiến, biết vượt lên khó khăn, thương tật, tuổi tác, bằng nghị lực và niềm tin mãnh liệt, không cam chịu đói nghèo, làm giàu theo cách riêng của người lính Cụ Hồ, giàu lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, mang tính nhân văn cao đẹp của dân tộc, quân đội và Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Công tác tuyên giáo đã góp phần làm cho phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong mỗi CCB, CQN ngày càng được bồi đắp, luôn tỏa sáng và trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng, của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PV: Để CCB tiếp tục phát huy và làm sáng đẹp hơn phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới, công tác tuyên giáo cần quan tâm những vấn đề gì, thưa Trung tướng?
Trung tướng Nguyễn Song Phi: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2017-2022), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành tình cảm và niềm tin sâu sắc trong lời căn dặn: “CCB, CQN luôn luôn là Bộ đội Cụ Hồ, mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ”. Đó chính là nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao; là mục tiêu phấn đấu, là trách nhiệm, tình cảm sâu sắc của mỗi CCB, CQN phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng trong sự nghiệp đổi mới ngày nay. Để làm được việc đó, công tác tuyên truyền, giáo dục của Hội CCB Việt Nam phải là việc làm thường xuyên. Vì vậy, thời gian tới công tác tuyên giáo cần tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để thống nhất nhận thức và hành động, củng cố, tăng cường niềm tin của CCB đối với Đảng và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Quá trình thực hiện, cần nắm vững quan điểm và phương pháp vận động quần chúng của Đảng.
Hai là, tiếp tục xây dựng Hội CCB vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Hội; làm tốt việc nắm và giải quyết những vướng mắc, nhất là về tư tưởng của hội viên ngay từ cơ sở, làm cho hội viên tin tưởng và thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả.
Ba là, động viên CCB phát huy tinh thần đồng đội, tinh thần tự lực tự cường, có nghị lực vượt khó vươn lên; tích cực giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống; phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp. Tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế của địa phương.
Bốn là, việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là trách nhiệm mà còn là nhu cầu, nguyện vọng, tình cảm thiêng liêng đối với Bác kính yêu; trở thành công việc thường xuyên, hằng ngày của mỗi tổ chức Hội, mỗi hội viên và CCB, CQN.
Năm là, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, xây dựng cơ quan Tuyên giáo, cán bộ tuyên giáo có đủ phẩm chất, năng lực, làm cốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện tốt công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Chủ động đấu tranh với những nhận thức, hành động làm phai mờ hình ảnh, phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể từ T.Ư xuống địa phương để phát huy vai trò và hiệu quả của CCB trong tham gia các cuộc vận động, các phong trào, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở T.Ư và địa phương.
Sự chung tay, vào cuộc của các ngành, các cấp; tính hiệu quả của công tác tuyên giáo trong tình hình mới của Hội CCB là yếu tố quan trọng để các thế hệ CCB, CQN luôn gương mẫu, mãi mãi gìn giữ truyền thống quý báu của Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới” của CCB Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch.
Hồ Bá Vinh (thực hiện)