Tỉnh Khánh Hòa: Cần sớm làm rõ những kiến nghị về người mang… “bí số” của địch
Những cán bộ hoạt động nội thành Nha Trang được gia đình ông Trần Đình Mười che giấu, giúp đỡ qua các thời kỳ…
Sau 45 năm giải phóng, có biết bao nhiêu gia đình, người con quê hương Nha Trang - Khánh Hòa và của khắp mọi miền của Tổ quốc hy sinh một phần xương máu, tài sản, tính mạng của mình trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Đảng và Nhà nước đã xem xét công nhận, thực hiện chính sách đối với những người có công. Tuy nhiên, trường hợp gia đình ông Trần Đình Mười, từng gắn bó, khoét đá làm hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng ở số nhà 29 đường Nguyễn Trãi (xưa là Phước Hải), TP.Nha Trang, ủng hộ nhiều tài sản cho quân giải phóng, 2 lần bị địch bắt giam cầm… và sau đó, ông bị địch gắn cho một “bí số”…. Phải chăng kẻ địch dùng thủ đoạn “bắt” rồi trước khi “thả” đã gắn cho ông cái mác như vậy nên đến nay gia đình ông chưa được công nhận có công với cách mạng?
13 nhân chứng nói gì về ông Mười
Đây là những người đại diện cho hàng chục người đã tham gia kháng chiến chống Mỹ và hoạt động trong nội thành Nha Trang suốt từ 1958 cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (30-4/1975), từng bị địch bắt giam cầm nhiều lần. Nay hầu hết đã ngoài 70 tuổi đời và hơn 50 tuổi Đảng…
Các nhân chứng cao niên hội ngộ về Nha Trang gồm các ông: Võ Đình Thu, Bùi Chạn, Tôn Thất Qúy, bà Lê Thị Ngọc Mai, Bùi Thị Tưởng…và họ bàng hoàng khi biết ông Trần Đình Mười (sinh năm 1936, quê ở Ninh Hòa), vợ là bà Dư Trung (bà là người Hoa), đều đã chết các đây vài năm mà chưa được công nhận gia đình có công với cách mạng. Những con tim họ mách bảo phải nói đúng sự thật về một gia đình kiên trung, đã nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng, trong đó có cả cán bộ cao cấp của tỉnh, hiến nhiều tài sản cho cán bộ hoạt động trong lòng địch và quân giải phóng. Một cơ sở cách mạng kiên trung giữa nội thành và quả cảm nằm ngay sau lưng trụ sở của địch…”.
Bà Bùi Thị Tưởng, 76 tuổi, nguyên Chủ tịch công đoàn Ngành giáo dục tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Ông Mười bị địch bắt giam cầm 2 lần (năm 1962 và 1968), đã không khai báo gì với địch, vì nếu ông bà phản bội thì nhiều người trong số này không cơ hội được hưởng thành quả của cách mạng và không còn đến ngồi ở đây”.
Còn ông Tôn Thất Qúy , nguyên Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đăk Lăk, từng hoạt động ở nội thành Nha Trang năm 1962 - 1971 kể lại: Tháng 11-1967, được tổ chức phân công đưa ông Lâm Trường Thắng, Phó ban binh vận tỉnh và ông Đặng Nhiên, Bí thư huyện ủy 301, Nam Ninh Hòa đến nhà ông Trần Đình Mười và được ông tiếp đón chu đáo, đưa xuống hầm bí mật. Sau 2 ngày tôi được ông Mười dùng xe Honda 67 chở ra Ninh Hòa, về lại đội công tác an toàn. Còn ông Thắng và ông Nhiên tiếp tục ở lại nhà ông Mười. Sau này tôi bị bắt và bị địch giam cầm từ 1968 đến 1971, ra tù được tổ chức phân công liên lạc lại với gia đình ông Mười để tiếp tục hoạt động.
Bà Lê Thị Ngọc Mai, 71 tuổi, quê ở Diên Khánh tham gia cách mạng từ năm 1964, hiện nghỉ hưu ở Đồng Nai cho biết: Đầu năm 1967 được tổ chức phân công làm liên lạc giữa Huyện ủy Diên Khánh với các đơn vị liên quan, trong đó có gia đình ông Trần Đình Mười. Tại đây, tôi thường xuyên được phân công chuyển tài liệu, hàng hóa từ nhà ông Mười ra căn cứ cách mạng (Thị ủy). Đưa các cán bộ quân sự, chính trị… từ căn cứ Đồng Bò đến nhà ông Mười, trong đó có các ông Hoàng Sỹ Qùy và ông Hoài Phong… Đặc biệt đầu năm 1968, tôi dùng xe Honda chở nhiều cán bộ, bộ đội đến nhà ông Mười phục vụ Chiến dịch Tổng tấn công địch mùa xuân Mậu Thân. Thời điểm đó tôi được phân công mua 300 bộ quần áo, giầy dép cho bộ đội ta cải trang, nhưng không đủ tiền, liền được gia đình anh Mười ủng hộ mua đủ quân trang, sau đó dùng xe nhà chở lên Trạm T10 an toàn. Sau Mậu Thân tôi và anh Mười bị đich bắt và giam cầm, khi địch đưa ra xét xử ông Mười đã không khai báo gì về cách mạng, luôn thể hiện khí phách kiên trung. Tôi bị địch tuyên án 10 năm tù, lúc địch tống chúng tôi lên xe bịt bùng, ông Mười đã động viên tôi “Cố gắng nghe em, ngày chiến thắng không còn xa nữa”…
Trong đơn ông Trần Đình Mười viết gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa (đơn đề ngày 25-2-2011) có đoạn: Tôi được giác ngộ và tham gia cách mạng năm 1952, đến năm 1954 được đưa đi tập kết ra Bắc, nhưng ra đến Quy Nhơn tổ chức phân công ở lại và gia đình đã mua căn nhà ở 29 Phước Hải. Thời điểm đó các công tác của tôi dưới sự chỉ đạo của ông Đặng Nhiên. Suốt từ đó tôi cùng anh em hoạt động cách mạng trong nội thành. Năm 1961, người chỉ đạo trực tiếp của tôi là ông Huỳnh Tưởng, Bí thư Liên thị ủy Nha Trang; năm 1965, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Lưu Văn Trọng, Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa… đồng thời còn xây dựng nhiều quần chúng trở thành cán bộ cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975). Cuối đơn ông khẳng định: “Kể cả hơn 30 năm ra nước ngoài định cư (ông đi theo vợ, do sự kiện người Hoa năm 1979), tôi chưa làm bất cứ điều gì có hại cho Tổ quốc, trái với lương tâm… Tuy nhiên do hậu chiến CIA để lại quá thâm độc, nhằm gây nghi ngờ nội bộ cách mạng… nhưng trước đường lối đổi mới bừng sáng của Đảng và Nhà nước gia đình tôi mong muốn được đối xử đúng chính sách người có công với cách mạng”.
Và bản kiến nghị của 13 nhân chứng sống
Các nhân chứng đã có bản viết tay kèm theo và khẳng định, suốt thời gian tham gia hoạt động bí mật trong nội thành Nha Trang, đều đã ở trong hầm bí mật do gia đình ông Trần Đình Mười khoét đào, che giấu. Nhiều cán bộ hoạt động đã đến ăn ở và được được gia đình nuôi giấu, hỗ trợ vật chất, đón và đưa nhiều cán bộ về căn cứ cách mạng an toàn. Hai lần bị địch bắt giam cầm, đưa ra xét sử đã không khai báo gì có hại cho cách mạng, giữ vững khí tiết, tin tưởng ngày thắng lợi sẽ đến.
Ông Đặng Nhiên và ông Lưu Văn Trọng trong quá trình hoạt động ở Ninh Hòa, sau đó vào Nha Trang đều được gia đình ông Mười che giấu và chịu sự lãnh đạo. Sau này trở thành cán bộ của tỉnh Khánh Hòa đã xác nhận: “Ông Trần Đình Mười 2 lần bị địch bắt giam, tra khảo. Năm 1968 ông Mười bị Cảnh sát Ngụy gắn cho một “Bí số” trước khi trả tự do. Tuy nhiên, tại thời điểm đó ông Tô Tịnh Ứng, thiếu úy, Ban tác chiến Tỉnh đội đến trú tại hầm bí mật nhà ông Mười. Vợ ông Mười là bà Dư Trung đã bảo vệ, che chở, nuôi giấu thiếu úy Ứng dưới hầm thời gian dài, sau khi liên lạc được với người của cách mạng đã đưa ông Ứng đi về căn cứ an toàn. Sau giải phóng (tháng 9-1975), ông Ứng quay lại nhà ông Mười nhận lại khẩu súng K54, bàn giao cho Công an Khánh Hòa (ông Thống công an tiếp nhận và có biên bản kèm theo).
Tóm lại, trong mấy chục năm qua, hàng chục cán bộ cách mạng (trung và cao cấp) cấp Tỉnh ủy, Thị ủy, Thị đội… đã có văn bản xác nhận thời gian gắn bó hoạt động bí mật trong nội thành qua các thời kỳ với sự che chở của gia đình ông Trần Đình Mười. Đồng lòng khẳng định ông Trần Đình Mười không hề phản bội lại cách mạng, mặc dù trong hồ sơ của chính quyền Sài Gòn đã gắn cho ông một “Bí số”.
Từ những cam kết, khẳng định của 13 nhân chứng, các xác nhận của các cán bộ lãnh đạo đã hoạt động bí mật qua các thời kỳ với gia đình ông Mười. Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa sớm làm rõ và xem xét công nhận gia đình ông Trần Đình Mười ở số nhà 29B Nguyễn Trãi là gia đình có công với cách mạng. Đồng thời làm thủ tục công nhận căn hầm bí mật được ông Mười khoét sâu trong núi đá (nằm trong nhà ông), nơi che giấu và gặp gỡ của hàng chục cán bộ. Đặc biệt phục vụ cho công tác chỉ đạo Tổng tiến công Mậu Thân (1968) ở nội thành Nha Trang là di tích lịch sử của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.
Bài và ảnh: Công Thi