Giải quyết tranh chấp đất đai nếu không muốn khởi kiện ra Tòa thì phải làm thế nào?
Hỏi: Tôi có thửa đất giáp ranh với thửa đất nhà anh Lê Văn Nam. Đất của hai nhà đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sự dụng đất (GCNQSDĐ). Do giáp ranh giữa hai nhà chưa xây dựng hàng rào chỉ giới nên gia đình anh Nam đã trồng cây lấn sang phần đất nhà tôi. Đến tháng 3-2014, tôi tiến hành xây tường bao thì bị gia đình anh Nam cản trở. Hai gia đình thống nhất cùng làm đơn đề nghị UBND xã lên đo đạc, xác định mốc giới. UBND xã cùng Hội đồng Hòa giải đã 3 lần mời hai gia đình lên để hòa giải nhưng gia đình anh Nam không hợp tác. Trước sự việc như vậy, UBND xã nói tôi cần làm đơn khởi kiện ra Tòa. Trong thâm tâm gia đình tôi không muốn kiện tụng. Vậy đề nghị Báo CCB Việt Nam tư vấn cho tôi cách giải quyết để bảo vệ quyền lợi của gia đình mình.
Đinh Văn Ngọc (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)
Trả lời: Với các thông tin được ông cung cấp thì, đất của cả hai nhà đều đã được cấp GCNQSDĐ, tức là đã được đo vẽ xác định diện tích, mốc giới 4 phía và được lưu trong bản đồ địa chính; việc tranh chấp đất giữa hai gia đình đã được UBND xã 3 lần tổ chức hòa giải nhưng không thành. Do đó, theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014) về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thì, việc tranh chấp đất đai giữa gia đình ông với gia đình ông Lê Văn Nam phải do Tòa án nhân dân giải quyết. Vì vậy, dù gia đình ông không muốn khiếu kiện, nhưng gia đình ông Lê Văn Nam không chấp nhận hòa giải, UBND xã đã nhiều lần tổ chức hòa giải cũng không thành, để bảo vệ quyền lợi của mình thì không còn cách nào khác là gia đình ông phải làm đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
Luật sư Nguyễn Văn Trượng