Thiên táng của Tây Tạng
Kền kền đang ăn một xác người chết nơi thiên táng
Vùng đất Tây Tạng có rất nhiều điều kỳ bí và tục lệ thiên táng được xem là một trong những ẩn số trong văn hóa phong tục nơi đây. Theo truyền thống và văn hóa lâu đời ở Tây Tạng, người dân rất đề cao nghi thức tang lễ.
Thành ngữ Tây Tạng có câu: "Người nào ý thức được sự sống sẽ ý thức được cả sự chết". Câu hỏi đặt ra làm thế nào để ý thức được sự sống. Người Tây Tạng trả lời câu hỏi này qua thành ngữ: "Biết cách ý thức sự sống là một công phu, và nếu nó là một công phu, người ta có thể tập luyện được".
Nhiều sách vở truyền thống Tây Tạng đã đề cập đến công phu này. Nhiều người cho rằng cõi sống và cõi chết rất xa cách nhau, nhưng riêng người Tây Tạng lại cho rằng hai cõi này gần nhau trong gang tấc, đến độ có thể giơ tay ra nắm bắt lấy nhau.
Trong hành trình cuối cùng, xác người chết sẽ rời khỏi nhà trước khi trời sáng. Ngoài các phương thức mai táng phổ biến là địa táng hay thủy táng, phương thức được ưa chuộng ở Tây Tạng là hỏa táng và thiên táng.
Thiên táng là một thực hành tang lễ, trong đó xác người chết được mang lên núi, để tự phân hủy khi tiếp xúc với thiên nhiên, hoặc bị ăn thịt bởi loài chim kền kền, bởi vậy "thiên táng" còn có tên khác là "điểu táng".
Một vị Lạt-ma sẽ cầu nguyện cho người quá cố được đặt ở tư thế ngồi suốt 24 giờ. Thi thể được cầu nguyện, tắm rửa sạch sẽ và bọc trong vải trắng. Xong đâu đó, họ buộc nó vào một đòn khiêng rồi đem đặt ở phòng trước nhà; đến ngày phát tang, họ khiêng xác chết đến một gò đất rộng hoặc đến một nơi hoang dã trên núi cao để mai táng. Hành trình đến nơi mai táng bắt đầu lúc sáng sớm.
Các thành viên trong gia đình đi cùng để tụng kinh và đánh nhạc đám ma, nhưng phải giữ một khoảng cách nhất định với người chết.
Thi thể người chết được đặt nằm sấp xuống mặt đá, các "rogyapa" (người xử lý xác chết) sẽ đốt cây bách xù để tạo mùi thu hút đàn kền kền và bắt đầu công việc của mình với một con dao sắc.
Sau đám tang, vị Lạt-ma sẽ tiếp tục cầu nguyện và hành lễ trong bảy tuần liên tiếp (49 ngày). Một hình nộm bằng rơm hay gỗ được mang đến tượng trưng cho xác chết. Vị Lạt-ma lấy một mảnh giấy vẽ mặt người chết dán lên hình nộm rồi ngồi đó tiếp tục hướng dẫn.
Sau 49 ngày, ông đốt tấm giấy phủ mặt hình nộm như một hình thức cho biết người chết đã cắt đứt mọi liên lạc với người sống. Trong nghi lễ cuối cùng này, mọi người trong gia đình xúm quanh lại và nói những câu đã soạn sẵn mà người châu Âu có thể cho là ngô nghê, giả dụ như:
"Này anh kia, anh đã chết rồi, đã đi thật xa rồi. Anh không còn dính dáng đến cái nhà này nữa. Hãy mau mau ăn bữa cơm chót rồi lên đường, từ nay đừng có trở về đây"…49 ngày là quãng thời gian trùng với phong tục của rất nhiều truyền thống ở các nước phương Đông khác, chẳng hạn như Việt Nam.
Thiên táng có vẻ như một tập tục "man rợ". Tuy nhiên, người Tây Tạng lại cho rằng cơ thể con người chỉ là phương tiện, như chiếc xe để chuyên chở linh hồn.
Một khi chiếc xe đó đã quá rệu rạo và linh hồn đã rời bỏ nó, thì nó không còn giá trị gì nữa và nên bỏ đi, trong cách hào phóng nhất là dùng làm thức ăn cho các loài chúng sinh khác.
Trên thực tế, người Tây Tạng xem thiên táng như một nghi thức hết sức trang trọng, là thứ cúng dường cuối cùng và rốt ráo nhất mà một người có thể thực hiện: hy sinh chính xương thịt của mình cho những sinh linh bị đói, và những loài này sẽ đưa người quá cố về những cõi trời thanh tịnh.
Về mặt lịch sử địa chất, cao nguyên Tây Tạng là hệ sinh thái tồn tại ở nơi cao nhất trên thế giới. Đất đá ở đây cứng lạnh. Người Tây Tạng không thể tiến hành chôn cất dưới lớp đá cứng hay băng lạnh, còn đất thì đắt đỏ. Việc hỏa táng cũng rất khó khăn vì gỗ cây, nhiên liệu đốt rất khan hiếm.
Trong khi đó, những đàn kền kền đói lượn khắp bầu trời, và sói lang thang quanh vùng. Với những đặc điểm địa lý đó, thiên táng xem ra là hợp lý nhất với họ.
Dù nhìn nhận của mọi người về tục lệ thiên táng huyền bí có đôi phần "man rợ" nhưng đây vẫn là một trong những nét văn hóa truyền thống thấm nhuần trong đời sống của người dân Tây Tạng.
Phạm Nguyễn