Mở “Cánh cửa thép” Xuân Lộc: Bài học về chọn hướng tiến công
Những ngày tháng 4 trên đất Xuân Lộc.
Công phá “Cánh cửa thép” Xuân Lộc, là trận đánh được xác định để mở đường cho cánh quân hướng Đông thần tốc tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhiệm vụ được giao cho Quân đoàn 4 với sự phối thuộc của Sư đoàn BB 6.
Mờ sáng ngày 9-4, trận tiến công “Cánh cửa thép” Xuân Lộc bắt đầu. Trên hướng tiến công chủ yếu của Sư đoàn 7 và hướng tiến công thứ yếu của Sư đoàn 341, các mũi đều đồng loạt nổ sung.
Ngày trong ngầy đầu tiên, Bộ đội ta đã đánh chiếm được một nửa thị xã, làm chủ toàn bộ khu hành chính của tiểu khu; 3 tiểu đoàn đã lọt được vào bên trong thị xã. Tuy nhiên, cũng từ đây, các mũi tiến công đều bị khựng lại trước sự phản kích điên cuồng của quân địch. Cục diện trận đánh bị “bẻ’ qua một hướng mới.
Ngày 10-4, chỉ một ngày sau khi bị tiến công, BTTM quân đội Sài Gòn đã tăng cừng thêm 2 lữ đoàn thuỷ quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn tăng. Mỗi ngày chúng huy động 80 lần/chiếc máy bay dội bom ngăn chặn các mũi tiến công của quân ta. Liều lĩnh và tàn bạo hơn, địch còn sử dụng cả bom CBU và Daisy Cutter - những loại vũ khí cấm (chỉ đứng sau vũ khí nguyên tử).
Sau 3 ngày tiến công, BTL Quân đoàn 4 nhận thấy nếu cứ tiến công tiếp theo cách đánh cũ, thương vong sẽ rất lớn mà chưa chắc đã dứt điểm được (qua 3 ngày, số thương vong của Sư đoàn 7 là 300, Sư đoàn 341 là 1.200; 3 xe tăng bị cháy, 3 xe bị hỏng; phần lớn pháo 57 ly và 85 ly đều bị hỏng hóc…) nên đã quyết định ngừng tiến công trực diện vào thị xã Xuân Lộc, mà rút ra bao vây, tiến công vào Trảng Bom, đón đánh quân địch tăng viện cho Xuân Lộc, cướp thời cơ đánh chiếm Thị xã Biên Hoà, chốt giữ cầu Đồng Nai. Thực tế chiến trường Xuân Lộc sau đó về cơ bản diễn ra theo đúng “kịch bản” thay đổi cách đánh này.
Sau khi ta tiêu diệt Lữ đoàn 22 và Chi đoàn 3 thiết giáp tại Gia Kiệm, đánh bại các đợt phản kích của địch, giữ vững Ngã 3 Dầu Giây, chia cắt Long Khánh với Biên Hoà…; cùng với sức ép từ hướng Đông sau khi cánh quân Duyên hải đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, giải phóng Phan Thiết rầm rộ tiến vào tập kết ở khu vực rừng Lá - Ngã ba Ông Đồn, đêm 20-4, quân địch rút chạy khỏi Xuân Lộc theo đường liên tỉnh 2 Ngã ba Tân Phong - Bà Rịa.
Nếu như (cho dù lịch sử không có “nếu như”) ngay từ đầu ta không chọn cách đánh đột kích thẳng vào “cánh của thép” Xuân Lộc, mà triển khai bao vây chặt, cô lập cứ điểm này, chờ cho cánh quân Duyên hải áp sát rồi mới tiến công thì hiệu quả sẽ lớn hơn xét trên mọi góc độ và sẽ giảm thiểu được tổn thất. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng, BTL chiến dịch đã sớm phát hiện ra hạn chế này và kiên quyết có sự điều chỉnh, thay đổi.
Tận dụng sai lầm của ta trong lựa chọn cách đánh dẫn đến không thể dứt điểm được Xuân Lộc như kế hoạch, lúc bấy giờ, trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu cho mở chiến dịch tuyên truyền rùm beng cái gọi là “chiến thắng Xuân Lộc”, một mặt nhằm lên dây cót tinh thần cho binh lính VNCH vốn đang hoang mang dao động tột độ; mặt khác muốn chứng minh cho Mỹ thấy rằng khả năng chiến đấu của quân đội VNCH đã được phục hồi; còn đủ sức để ngăn chặn cuộc tiến công tổng lực của đối phương.
Trận Xuân Lộc đã để lại nhiều bài học “xương máu”, mà trước hết là bài học về chọn hướng tiến công chủ yếu, lẽ ra phải tránh đột phá vào chính diện, chọn chỗ hiểm yếu sao cho khi đột phá sẽ gây rúng động toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch…
Cuộc chiến đấu để mở “Cánh cửa thép” Xuân Lộc kéo dài 12 ngày đêm. Dẫu trận đầu chưa thành công, song LLVT miền Đông, mà nòng cốt là Quân đoàn 4 cùng với nhân dân địa phương đã anh dũng chiến đấu, cuối cùng cũng đã đập tan một trong những cứ điểm mạnh nhất trên tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn của địch. Đây là một trong những cuộc chiến đấu giằng co ác liệt nhất, kéo dài nhất trước của ngõ Sài Gòn. 460 cán bộ, chiến sỹ của Quân Đoàn 4, hàng trăm cán bộ, du kích và nhân dân địa phương đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến đấu này.
“Cánh của thép” Xuân Lộc bị đập tan đã tạo ra một thế trận mới, một khu vực bàn đạp rất thuận lợi cho Cánh quân hướng Đông trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định; nó làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ còn lại của quân đội VNCH ở xung quanh Sài Gòn; góp phần thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn mà sự ra đi của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ một ngày sau sự kiện Xuân Lộc thất thủ là một minh chứng.
Việt Anh