Người phụ nữ tôn thờ Chủ tịch Fidel

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương - Lê Văn Kết.

Trong công viên Fidel Castro đang được hoàn thiện tại T.P Đông Hà, Quảng Trị, tôi gặp một ông già tản bộ, hỏi thăm nhà chị Nguyễn Thị Hương - người được Chủ tịch Fidel cứu sống khi đang làm nhiệm vụ và bị thương ở phía bắc cầu Hiền Lương năm 1973. Ông già chỉ tay về khu phố nhỏ rồi bảo: Nhà chị ấy kia kìa, chú vào đấy hỏi, ai cũng biết.

Nhà chị Hương nằm sâu trong ngõ 24 Đặng Tất, thuộc Khu phố 4, Phường 1, TP. Đông Hà. Chị Hương năm nay 63 tuổi, vẫn còn có nét đẹp bình dị của người con gái Vĩnh Linh anh hùng. Tuy trong cơ thể còn nhiều viên bi của bom Mỹ nhưng giọng của chị vẫn đầy lạc quan yêu đời. Chỉ đến khi kể về chuyện được Chủ tịch Fidel cứu sống, giọng nói của chị mới run run đầy xúc động.

Chị Hương kể: Quê tui ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ngày 15-9-1973, tui cùng nhiều bạn đoàn viên tham gia lao động cộng sản. Công việc hôm ấy là san lấp hố bom, ổ gà ổ voi ở trên quốc lộ 1A. Hồi đó tôi mới hơn 16 tuổi nhưng rất hăng hái, ngày nào cũng tích cực đi san lấp hố bom, hố đạn pháo, mặc dù có những khu vực rất nguy hiểm, còn vô vàn các loại bom nổ chậm, trong đó có bom bi.

Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đang lao động thì cán bộ Đoàn đến động viên, đồng thời quán triệt: Các đồng chí cố gắng làm nhanh để chuẩn bị đón một đoàn khách đặc biệt của Trung ương qua đây. Nghe vậy, đoàn viên vừa san lấp hố bom, vừa háo hức nhìn về phía cầu Hiền Lương. Đầu giờ chiều, tôi đang cuốc đất thì một chớp lửa xanh lóe bùng lên, kèm theo tiếng nổ rất đanh. Đất bay tứ tung, cột khói đen bốc cao. Tôi nghe đau nhói ở chân và trên đầu, máu ở bụng cũng trào ra, tôi ôm bụng cố chạy một quãng, đến đầu bờ thì ngã xuống đống rơm, không còn biết gì nữa.

Bàn thờ Chủ tịch Fidel của gia đình chị Hương.

Ông Lê Mạnh Kết - chồng chị Hương bổ sung thêm: Dạo đó ở đây vẫn xảy ra nhiều trường hợp tương tự, nhẹ thì bị thương, nặng không qua khỏi, nhất và đối với bom bi. Đã có nhiều người dân bị chết oan do cuốc phải bom bi. Tôi chạy đến nơi thì thấy có đến 6 người bị thương, máu me đầy người. Hương nằm giữa đống rơm, mặt mày tái nhợt. Mấy anh Công an vũ trang đồn Hiền Lương bảo mọi người tản ra để họ cấp cứu; y tá tập trung cứu người bị nặng nhất là Hương.

Lúc ấy, đoàn công tác của Chủ tịch Fidel Castro vừa có chuyến vào thăm Quảng Trị, đang trở ra Quảng Bình. Trong đoàn công tác còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cán bộ của Bộ Ngoại giao của hai nước. Khi nghe rõ tiếng nổ, Chủ tịch Fidel ngồi phía sau quan sát rất nhanh, ông vỗ mạnh vào cửa, bảo lái xe dừng lại. Ông mang quân phục, đi giày cao cổ, nhanh chân bước tới chổ Hương đang nằm. Sau khi tự mình kiểm tra, thấy tình hình của nạn nhân rất nguy hiểm, Fidel bảo bác sỹ riêng của mình đến cấp cứu ngay. Một nữ bác sỹ của Cuba đã tiêm cầm máu và băng lại vết thương cho Hương. Sau đó, Fidel ra lệnh nhanh chóng chở Hương và những người bị nạn đến bệnh viện cấp cứu. Trước khi tiếp tục hành quân, ông Fidel bảo bác sỹ của đoàn ở lại cùng bệnh viện chăm sóc bệnh nhân. Mọi việc ông giải quyết rất nhanh và chính xác.

Bệnh viện A hồi ấy sơ tán tận xã Vĩnh Tú, đường sá đi lại khó khăn. Sức khỏe của Hương lúc đó rất nguy kịch bởi cơ thể bị các viên bi xuyên qua nhiều chổ. Riêng ở ruột đã bị thủng 11 chỗ, một viên găm vào cột sống, nhiều viên xuyên vào chân. Có một viên bi găm vào đầu (đến nay viên bi ấy cùng một số viên khác không mổ lấy ra được). Lúc đó Hương bị mất máu quá nhiều, mê man bất tỉnh, bệnh viện lại thiếu máu nên không đủ cơ số để truyền, sự sống của Hương đang bị đe dọa từng giờ phút.

Là một người có tính quyết đoán và giàu tình cảm, Chủ tịch Fidel bảo lái xe phóng nhanh ra Thị xã Đồng Hới để lấy máu vào truyền cho Hương. Quãng đường gần 80 km hồi đó vừa trải qua chiến tranh nên rất khó đi. Chiếc xe Commăngca chồm lên chồm xuống qua các ổ voi, hơn hai tiếng sau mới tới nơi. Lấy được 10 chai máu quý, lại lập tức đưa vào Vĩnh Linh trong đêm. Nhờ những giọt máu hồng gửi từ Quảng Bình vào mà Hương đã dần tỉnh lại, các đoàn viên khác cũng được cứu kịp thời.

Từ Quảng Bình, không những gửi máu vào cấp cứu, Chủ tịch Fidel còn gửi thêm một số thuốc men cho Hương điều trị, lúc ấy bệnh viện A đang thiếu nhiều loại thuốc nên thuốc nào cũng quý. Ân đức của ông, gia đình Hương không biết nói sao cho hết. Cứ mỗi khi nghe đến câu nói của ông: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, vợ chồng Hương lại nghĩ câu nói bất hủ của ông, ngoài tình cảm đặc biệt của Cuba dành cho Việt Nam, còn có một khía cạnh nói đến trường hợp của Hương. Ông đúng là người đã sinh ra Hương lần thứ hai.

Một buổi sáng, Hương đang chống gậy tập đi quanh sân thì thấy cán bộ xã Vĩnh Thành tới thăm, đồng thời chuyển gói quà của Chủ tịch Fidel từ Cuba gửi sang. Quà của Chủ tịch gồm nhiều loại thuốc quý, còn có cả đường sữa, kèm theo tấm danh thiếp của ông. Từ khi tỉnh lại và điều trị, nhiều lúc Hương nghe mọi người kể về tấm lòng cao cả của Chủ tịch Fidel, nhưng chị chưa nhìn thấy ân nhân của mình lần nào cả. Cùng tấm danh thiếp của Chủ tịch có một lá thư ngắn với lời dặn: “Khi nào có điều kiện, mời gia đình sang thăm đất nước Cuba, cầm tấm cavirit này đến Cuba thì đi đâu cũng được…”.

Chị Hương kể tiếp: Khi chúng tôi cưới nhau, đã có ý định sang thăm Cuba, nhưng nghĩ lại, đất nước mình còn nghèo, Cuba cũng rất khó khăn, thôi để dịp khác. Tôi luôn nuôi quyết tâm được gặp Fidel dù chỉ một lần và vài phút cũng được, khi nghe tin ông ốm nặng, tôi càng nóng lòng hơn. Khi nghe tin ông mất, tôi như bị sét đánh ngang tai, các con và cháu của tôi cũng òa lên ôm mặt khóc hu hu: Ông ngoại Fidel của các cháu không còn nữa rồi! Chồng tôi khẩn trương đóng cái bàn thờ trang trọng giữa nhà, phóng to chân dung của Fidel để thờ cúng theo phong tục Việt Nam.

Có lẽ trên đất nước ta lúc ấy chỉ có duy nhất gia đình chị Hương lập bàn thờ cúng Chủ tịch Fidel. Ngày 15-9-2018, vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày Chủ tịch Fidel thăm Quảng Trị, chị Hương nhận được một lá thư từ Cuba gửi sang. Người gửi thư là nữ bác sĩ Arien Sôlê Munhôt, đã trực tiếp cấp cứu cho chị năm 1973. Bà Arien năm nay gần 90 tuổi nhưng đã viết những dòng thư đầy tình cảm, bà tha thiết mời chị Hương sang thăm: “...Tôi biết rằng chị rất mong đến thăm Cuba, tôi cũng vậy. Tôi rất muốn chị đến đất nước tôi, ít nhất để có thể chào chị. Chúc chị và gia đình sức khỏe và nhiều may mắn. Mong chị có thể sớm đến thăm Cuba. Xin gửi chị một cái ôm hôn thân ái”.

Tình cảm của Chủ tịch Fidel, của Cuba đối với Việt Nam nói chung và gia đình chị Hương nói riêng rất quý báu và thiêng liêng. Từng mẫu chuyện, từng chi tiết như một cuốn phim đầy nhân ái của Fidel đối với người con gái Vĩnh Linh anh hùng.

Xuân Vui