Trách nhiệm với xã hội
Mấy ngày gần đây khi dịch Covid-19 ở nước ta ngày một tăng, với hơn 200 ca nhiễm thì tại nhiều nơi, địa phương, khu phố người dân mới chỉ nghe tin đồn đã kéo nhau đi siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa như trẩy hội để mua hàng. Nhiều siêu thị, cửa hàng trong buổi sáng đã bán hết vèo nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống của các gia đình. Có sản phẩm thì người dân tranh giành nhau mua. Riêng tại một số hiệu thuốc tây thì lúc nào cũng có bảng thông báo "Hết khẩu trang".
Hiện tượng này làm gợi nhớ lại sự cố Y2K vào năm 2000. Thật ra đây chỉ là sự cố máy tính, được các chuyên gia và nhà chức trách trấn an rằng không vấn đề gì ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng do một số người thiếu hiểu biết, lại nghe lời đồn rằng “Y2K tận thế” nên rủ nhau đi mua gạo, mì, mắm, dầu hỏa... chất đầy nhà. Giả dụ “tận thế”, thì chúng ta gom đồ như vậy liệu có còn sống để ăn uống?
Trở lại với dịch bệnh Covid-19. Đi đâu cũng nghe người ta bàn tán rất nhiều, mà thường thông tin không chuẩn xác: tam sao thất bản. Có người còn cho rằng Covid-19 sẽ là một đại dịch gây khủng hoảng khiến con người trở thành zombie (xác sống). Ấy là bởi họ tin theo những lời đồn đại trên Facebook, Youtube... mà họ không hay rằng đây chỉ là chuyện vớ vẩn câu view, like vào mục đích thương mại. Một số nhiều thuyết âm mưu khiến cho dư luận hiểu lầm, mất tình đoàn kết giữa các nước trên thế giới. Lại có nhiều cá nhân đăng tin trên mạng xã hội sai sự thật, chưa chuẩn xác khiến người dân hoang mang. Đó là chưa nói việc một vài kẻ xấu, nhóm người lợi dụng đại dịch này gây chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm cho cơ quan chức năng càng thêm khó khăn trong việc xử lý.
Ai đó có hiểu, suy nghĩ và thể hiện những hành động nông cạn như thế sẽ làm ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia? Khi gom hết mặt hàng nhu yếu phẩm ở siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa về nhà, chúng ta có nghĩ đến những người nghèo khổ họ không đủ tiền để tích trữ, phải chạy ăn từng bữa? Lúc họ cần thì mặt hàng đó đã hết sạch, không có để dùng. Đó là chưa nói đến nạn đầu cơ kiểu "Thạch Sùng". Như câu chuyện chiếc khẩu trang, tạo ra giá cao ngất ngưỡng, từ đó dẫn đến hệ lụy buôn lậu khẩu trang, giá thả nổi... Hiện một chiếc khẩu trang y tế bán trên thị trường tầm 5.000-7.000 đồng/cái mà không có hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khẩu trang vải cũng hút hàng, với giá tầm 4.000-5.000 đồng/cái.
Đồng ý rằng có tiền thì có quyền mua sắm, miễn không vi phạm pháp luật. Nhưng mỗi công dân sống cần phải có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Những hành động của chúng ta đều tác động ít nhiều đến xã hội nên đừng gây xáo trộn. Nên mua các mặt hàng nhu yếu phẩm đủ dùng, nhường phần cho người khác. Khẩu trang y tế cũng vậy, chỉ mua vừa đủ và không nên đầu cơ trục lợi. Hiện nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên y tế rất cần khẩu trang để bảo vệ bản thân trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, đừng nên tung tin thất thiệt trên mạng xã hội mà chỉ nên dẫn nguồn từ các trang báo mạng chính thống cũng như cổng thông tin điện tử của các cơ quan đoàn thể liên quan. Mọi người hãy cùng nhau tương trợ, san sẻ cho nhau những gì có thể để vượt qua nạn dịch nguy hiểm này.
Nguyễn Hoàng Duy