“Cản trở” hay “bệ phóng”?

Gian trưng bày sản phẩm của Nhà máy Z176 tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024.

Lợi dụng thời điểm Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp vẫn đang trong quá trình triển khai thi hành, các thế lực thù địch  đã ra sức thêu dệt tung tin “Luật này gây cản trở sự phát triển kinh tế, làm giảm nguồn lực cho các lĩnh vực dân sự”?. Nhưng thực tế, từ những nhà máy quốc phòng hiện đại đến những bước tiến xuất khẩu đầy triển vọng, luật này đang chứng minh vai trò "bệ phóng" không thể phủ nhận.

Chiêu trò chống phá nguy hiểm

Với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (464/464 đại biểu), ngày 27-6-2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong việc xây dựng và phát triển Ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

Ngay sau khi Luật CNQP được Quốc hội thông qua, một làn sóng tung tin, xuyên tạc có chủ đích đã rộ lên trên các diễn đàn và trang mạng xã hội, đặc biệt là từ các trang có xu hướng chống Cộng như RFA, VOA, Việt Tân... Các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị đã sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để bóp méo bản chất của Luật, gây hoang mang dư luận và cản trở quá trình thực thi.

Một trong những luận điệu phổ biến là cáo buộc rằng “Luật này ưu ái doanh nghiệp nhà nước, kìm chế, cản trở sự tham gia, phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, gây ra sự mất cân bằng trong nền kinh tế”; “Luật này thiếu minh bạch, tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí, và không mang lại hiệu quả thực tế”. Không dừng lại ở đó, chúng còn tung tin rằng “Luật này gây gánh nặng cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác”. Đáng chú ý hơn, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị còn lợi dụng các sự kiện nhạy cảm, những vụ việc tiêu cực, những vấn đề bức xúc trong xã hội để thổi phồng, xuyên tạc, kích động sự bất mãn của người dân, tạo ra các "chuyên gia", "nhà phân tích" giả mạo, lập các tài khoản mạng xã hội để đưa ra những nhận định, đánh giá sai trái về Luật. Họ cố tình đánh đồng việc phát triển công nghệ lưỡng dụng với việc chạy đua vũ trang, gieo rắc sự hoang mang, lo ngại trong dư luận, cản trở chủ trương hiện đại hóa quân đội và công nghiệp quốc phòng của nước ta.

Bệ phóng cho sự phát triển

Trước những thông tin xấu độc và chiêu trò chống phá nguy hiểm của các thế lực thù địch, chúng ta cần khẳng định rằng, việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là một chủ trương chiến lược nhất quán, luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm. Đây cũng là việc kế thừa quốc sách tự sản xuất vũ khí  mà cha ông chúng ta đã tạo dựng từ hàng ngàn năm trước. Luật này chính là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, một "bệ phóng" mạnh mẽ để xây dựng và phát triển một nền công nghiệp quốc phòng và an ninh vững mạnh, tự chủ, tự cường, đủ sức đáp ứng mọi yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Luật CNQP được xây dựng với các quy định chặt chẽ về quản lý tài chính, tài sản, đấu thầu, mua sắm công khai, minh bạch, có cơ chế kiểm tra, giám sát rõ ràng để ngăn ngừa tiêu cực. Việc đánh giá hiệu quả của Luật cần có thời gian để triển khai và đi vào thực tế, không thể dựa vào những suy đoán chủ quan ban đầu. Cần nhấn mạnh rằng đầu tư cho quốc phòng, an ninh là đầu tư cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Ngân sách cho lĩnh vực này được bố trí một cách hợp lý, cân đối với các nhu cầu chi tiêu khác, đồng thời có tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan phát triển. Việc chủ động sản xuất trong nước không chỉ giúp nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang mà còn củng cố nền tảng tự chủ về công nghệ và kỹ thuật quân sự. Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong nghiên cứu, chế tạo và cải tiến vũ khí, từ vũ khí bộ binh, pháo binh đến tàu quân sự, radar và thiết bị thông tin liên lạc, là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chiến lược này. Các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ hàng đầu như Viettel đóng vai trò "đầu tàu", tiên phong trong việc phát triển các giải pháp công nghệ quốc phòng tiên tiến. Những sản phẩm như máy thông tin quân sự đa phương tiện, hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia, radar công nghệ số ứng dụng AI, hệ thống mô hình mô phỏng huấn luyện và hệ thống quang điện tử giám sát, không chỉ tăng cường sức mạnh quân sự mà còn thể hiện năng lực công nghệ vượt trội của Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, việc sở hữu công nghệ và năng lực sản xuất quốc phòng nội địa là vô cùng quan trọng. Nó không chỉ tăng cường khả năng phòng thủ mà còn cho phép Việt Nam chủ động giám sát và bảo vệ lãnh thổ, đặc biệt là các vùng biển và đảo một cách hiệu quả hơn. Điều này khẳng định vị thế của Việt Nam như một quốc gia độc lập, tự chủ, sẵn sàng đối phó với mọi thách thức. Và trong thời gian tới, khi Luật CNQP chính thức thi hành, nó sẽ tạo động lực mạnh mẽ, khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đóng góp một phần quan trọng vào sự cường thịnh của quốc gia.

Luật  CNQP tạo ra khung pháp lý để huy động mọi nguồn lực của đất nước cho quốc phòng, an ninh, bao gồm cả khu vực tư nhân, thông qua các hình thức hợp tác, đầu tư, cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Đây là một trong những chính sách trọng tâm của Luật. Việc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo ở một số lĩnh vực then chốt là để đảm bảo an ninh quốc gia, không hề triệt tiêu cơ hội của doanh nghiệp tư nhân. Hơn nữa, Luật có các quy định khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh. Minh chứng rõ nhất đó là Luật quy định rõ các hình thức, cơ chế để doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho quốc phòng, an ninh. Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí chế tạo, điện tử... đã và đang tham gia vào các dự án, chương trình hợp tác với các đơn vị quốc phòng, an ninh. Các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai... cũng được áp dụng cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Luật CNQP còn là động lực quan trọng để phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng theo cả hai chiều: Công nghiệp dân sinh tham gia sản xuất sản phẩm quốc phòng; và công nghiệp quốc phòng tham gia sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh, phấn đấu trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.  

Sự chuyển mình của các nhà máy quốc phòng trong thời gian qua cộng với cơ sở pháp lý từ Luật CNQP sau khi Luật này có hiệu lực sẽ tạo đà mạnh mẽ cho việc mở rộng cơ hội hợp tác và thương mại quốc tế. Các cơ chế được thiết lập để thúc đẩy thương mại quốc tế về các sản phẩm và dịch vụ quốc phòng và an ninh, bao gồm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các triển lãm quốc tế, hỗ trợ tìm kiếm thị trường... Đây là những cơ hội đáng kể để các doanh nghiệp trong và ngoài nền công nghiệp quốc phòng có thể khẳng định vị thế, mở rộng quy mô và tiềm lực phát triển. Việc giảm bớt các rào cản và chính sách khắt khe tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội liên kết xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Như vậy, có thể khẳng định rằng Luật CNQP không chỉ là một văn bản pháp lý, mà còn là một tầm nhìn chiến lược, một bước tiến quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để biến tầm nhìn này thành hiện thực, chúng ta cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, từ việc nâng cao nhận thức về Luật, đến việc kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, đảm bảo Luật CNQP được thực thi một cách hiệu quả nhất./.

Nguyễn Thị Lan Phương - Nhà máy Z176, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng)