Thêm tin tưởng, cảm phục chiến sĩ Trường Sa
Trước giờ tàu rời cảng
Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, là phóng viên Báo CCB Việt Nam, tôi vinh dự được có mặt trong Đoàn công tác số 15 đến thăm, tặng quà động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa. Chuyến hải trình có ý nghĩa đặc biệt - nằm trong chuỗi những ngày kỷ niệm lớn của đất nước: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29.4.1975 - 29.4.2025; 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025); 70 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7.5.1955 - 7.5.2025).
Từ ngày 29-4 đến 5-5-2025, tàu 571 Trường Sa đưa Đoàn công tác 15 đến thăm, động viên quân và dân các đảo: Song Tử tây, Đá Thị, Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Không chỉ tặng quà tại các điểm đảo, Nhà giàn trị giá gần 9 tỷ đồng, các hoạt động đầy ý nghĩa của đoàn công tác đã chia sẻ, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho những cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Đúng như Đại tá Bùi Quang Thuyên - Phó tư lệnh vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 15 khẳng định: “Các hoạt động của Đoàn với Trường Sa đã thể hiện tinh thần: Tất cả vì Trường Sa thân yêu. Cùng chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, các hoạt động đã thể hiện tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển, đảo và đặc biệt là tình cảm thật nồng ấm cho Hải quân nhân dân Việt Nam. Sự quan tâm thăm hỏi, sẻ chia, tặng quà của Đoàn đã cổ vũ, động viên rất lớn đối với các cán bộ, chiến sĩ luôn chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Được tận mắt chứng kiến cuộc sống, sự rèn luyện của những người lính đảo, cũng như 187 thành viên của Đoàn, chuyến đi đã mang đến cho tôi sự cảm phục, niềm tin, niềm tự hào sâu sắc về những người chiến sĩ ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúng tôi rời tàu 571 lên đảo Sinh Tồn giữa lúc trời mưa, sóng to, gió lớn. Các chiến sĩ Hải quân, người trên xuồng, người dưới bến, phải lựa các con sóng để đón, đỡ chúng tôi. Dù lần đầu ra đảo, giữa biển trời mênh mông, giữa cái sóng, cái gió, chúng tôi không sợ, vì biết bên cạnh đã có các anh và cơn mưa như thế này rất quý đối với các anh. Đâu đó văng vẳng câu hát: “Mưa ơi! mưa ơi, đảo nhỏ chờ mưa/ Mưa ơi! mưa ơi, chúng tôi cần mưa...”.
Đón chúng tôi lên đảo Sinh Tồn còn có những cái vẫy tay rung rinh trước gió của cây bàng vuông và những nụ cười tươi tắn của quân dân huyện đảo...
Đi thăm nhà các hộ dân, trường học, bệnh xá, các phòng, ban của đơn vị... tôi gặp Trung sĩ Nguyễn Thành Tân, quê ở Đồng Tháp. Chờ anh nghe điện thoại xong, tôi hỏi: “Muộn thế này rồi, gọi điện đi đâu vậy Trung sĩ?”. Anh niềm nở: “Hôm nay là ngày Quốc tế lao động 1-5, được nghỉ, em tranh thủ gọi điện cho mẹ. Mẹ em cùng bố và em gái em đang ở trọ tại T.P Hồ Chí Minh. Mẹ cũng bận lắm vì làm ca kíp tối sớm suốt, vậy mà vẫn chăm sóc hai anh em tốt lắm đó chị. Mẹ nấu ăn ngon, em nhớ món mực xào dưa leo, mực xào cần tỏi, canh cá lóc… Ngày em học lớp 4, sau một đêm ngủ dậy, chân em bị co cứng, không duỗi ra được, mẹ hớt hải đưa em đi khám. Cả tháng ở viện một tay mẹ chăm, lúc ở phòng bệnh chích thuốc, lúc ở phòng vật lý trị liệu… Em thương mẹ lắm! Mẹ chính là động lực để em rèn luyện phấn đấu mỗi ngày… Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, qua những trang sách, những bài giảng của thầy cô, em biết nhiều trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, của Bộ đội Hải quân... Từ đó em mơ ước trở thành người chiến sĩ. Đủ 18 tuổi, em viết đơn xung phong nhập ngũ. Ngày 27-2-2024, em được vào đơn vị trinh sát đo xa Phòng không - Không quân. Sau 3 tháng huấn luyện, em về đảo Sinh Tồn thực hiện nhiệm vụ. Em luôntự hứa luôn cố gắng học tập, rèn luyện để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...”.
Gọi điện lại cho mẹ của Trung sĩ Tân, bà Thái Ngọc Hòa chia sẻ: “Tân sống tình cảm lắm cô ạ. Hôm sinh nhật em gái, ngày 29-4, Tân bận, không gọi điện được nên hôm nay làngày nghỉ mới gọi về thăm mẹ, thăm em. Tôi rất mừng vì thấy con trai mình rắn rỏi, vững vànghơn rất nhiều. Tôi luôn mong và động viên con cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngườichiến sĩ Hải quân”.
Trung tá Hoàng Văn Cường - Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết: “Trung sĩ Nguyễn Thành Tân là người thẳng thắn, trung thực vàtình cảm. Cũng như các chiến sĩ trên đảo, anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài giờ học tập, huấn luyện, Tân còn cắt tóc cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất đẹp. Qua 2 năm nghĩa vụ, dù còn trong quân đội hay về dân sự, Trung sĩ Nguyễn Thành Tân chắc chắn sẽ là công dân ưu tú, mẫu mực”.
Trên các điểm đảo mà Đoàn đến thăm, chúng tôi gặp rất nhiều cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh, ý chí và tình cảm như Trung sĩ Nguyễn Thành Tân. Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó trưởng Đoàn công tác số 15 chia sẻ: “Hải trình 168 giờ thăm các huyện đảo cùng Lễ tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân đã hy sinh ở Gạc Ma năm 1988... thật xúc động và thiêng liêng. Qua đó chúng tôi cảm nhận được ý chí, bản lĩnh kiên cường, sự quyết tâm trong thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng, khi họ để lại phía sau vợ, con, gia đình, người yêu... thật ngưỡng mộ và trân quý các chiến sĩ Hải quân”.
Thúy Hương