Chân lý và sự thật bác bỏ thủ đoạn xuyên tạc chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của BCHTW Đảng khóa XII
Xuyên tạc chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy là âm mưu, thủ đoạn rất nham hiểm trong chiến lược tổng thể “Diễn biến hòa bình” của kẻ thù nhằm gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ hệ thống chính trị nước ta. Trong bối cảnh mới hiện nay, việc nhận diện chính xác và đấu tranh bác bỏ âm mưu, thủ đoạn trên là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa hệ trọng lâu dài góp phần đưa cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy sớm về đích thắng lợi.
Kinh nghiệm lịch sử của Đảng ta đã chứng minh vấn đề có tính quy luật: Cùng với đường lối chính trị đúng đắn, nhân tố quyết định mọi thành công của cách mạng là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ ngang tầm với trọng trách chính trị và phù hợp với địa vị lịch sử của đảng cầm quyền. Tuy nhiên, sức mạnh của đội ngũ cán bộ sẽ chỉ là tiềm tàng, tồn tại dưới dạng tiềm năng nếu khôngđược tổ chức sắp xếpkhoa học và hợp lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:“Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[1]và đặc biệt lưu ý trong tổ chức công việc “chớ dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”[2].Vì vậy, chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình, đồng thuận cao của dư luận trong nước và quốc tế, là “thời cơ vàng” đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, với mục đích phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật bằng nhiều luận điệu rất phản động và phi lý. Thực tế đó, đang đặt ra nhiệm vụ cấp bách cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ âm mưu, thủ đoạn trên bằng sự thật và chân lý khiến kẻ thù không thể bác bỏ và chối cãi.
1. Xuyên tạc chủ trương của Đảng ta về tinh gọn tổ chức bộ máy - Thủ đoạn nham hiểm, xảo quyệt của kẻ thù
Đã thành thông lệ, mỗi khi Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành những chủ trương, đường lối lớn liên quan đến quốc kế, dân sinh, các thế lực thù địch, phản động lại ra sức tạo cớ xuyên tạc, bóp méo sự thậtgây hoang mang, mất lòng tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ.
Thời gian gần đây, chúng đẩy mạnh tuyên truyền bằng những thông tin bịa đặt, với nhiều lập luận phản động, vô căn cứ về chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta. Dựa vào thủ đoạn được chúng sử dụng có thể chia ra thành 2 nhóm:
Thứ nhất, các đối tượng thù địch tiến hành đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước bằng những lập luận mang tính vu khống trắng trợn. Chúng cố tình dựng lên các luận điệu như:“việc tinh gọn bộ máy là giảm biên chế vô tội vạ, là hình thức mị dân, gây tốn kém, hay thậm chí là cuộc đấu đá thanh trừng nội bộ”[3].Chúng lợi dụng những “khoảng trống thông tin” do công tác tuyên truyền, định hướng dư luận chưa kịp thời, thiếu chiều sâu để thổi phồng, bóp méo bản chất vấn đề. Bằng cách mượn danh “chuyên gia độc lập”, “người trong cuộc” hoặc gán mác “phân tích khách quan”, chúng tạo vỏ bọc nhằm đánh lừa người tiếp nhận, tăng độ tin cậy cho thông tin bịa đặt. Đây là thủ đoạn công khai, trực diện, với dã tâm chống phá rõ ràng, thường nhắm đến những đối tượng thiếu hiểu biết, có tâm lý bất mãn hoặc đang dao động về tư tưởng chính trị. Tuy dễ bị phát hiện và phản bác, song vẫn có thể tạo ra những tác động tiêu cực nếu không kịp thời xử lý.
Thứ hai, thủ đoạn tinh vi hơn được các thế lực phản động sử dụng là ngụy trang thông tin xuyên tạc dưới hình thức tưởng như “khách quan”, “trung lập”. Chúng cắt xén, gọt tỉa các phát biểu, dữ liệu hoặc kết quả nghiên cứu chính thống, sau đó khéo léo cài cắm những nội dung xuyên tạc, lệch lạc nhằm dẫn dắt dư luận đi theo hướng tiêu cực. Thực tế cho thấy, bất kỳ chủ trương, chính sách lớn nào cũng đặt ra cả thời cơ lẫn thách thức. Tuy nhiên, các đối tượng này chỉ nhấn mạnh, thậm chí thổi phồng những khó khăn, thách thứccó thật, trong khi cố tình lờ đi mục tiêu tích cực và lợi ích lâu dài của công cuộc tinh gọn bộ máy. Từ đó, chúng gieo rắc luận điệu sai trái như: “Việt Nam không đủ nguồn lực để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy”(!?) hay “tinh gọn sẽ gây rối loạn xã hội do thất nghiệp tăng cao”(!?). Đây là hình thức xuyên tạc có độ nguy hiểm lớn, vì không chỉ nhắm vào những người ít hiểu biết, mà còn có thể làm dao động cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - những người trực tiếp tham gia thực hiện chủ trương này. Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chánh văn phòng Quốc Hội chia sẻ: “Tôi thấy cái mà có thể có tác động nhiều hơn không phải là chuyện bôi xấu nói sai sự thật một cách lộ liễu như vậy, mà là những thứ cố gắng khách quan nhưng mà cài những thông điệp hoặc những thông tin sai trái vào trong đó. Cái đó nó nguy hiểm hơn”[4].
Xuyên tạc chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy là một âm mưu cụ thể nằm trong chiến lược tổng thể “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” nhằm phá hoại nền tảng chính trị và làm suy yếu hệ thống chính trị ở Việt Nam. Đợt chống phá lần này diễn ra với quy mô rộng, cường độ cao và thủ đoạn tinh vi hơn trước nhiều lần, được hậu thuẫn bởi tài chính, công nghệ và kỹ thuật hiện đại từ bên ngoài. Các thế lực thù địch đã cấu kết thành một “Liên minh phản động”, gồm: (1) tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời...; (2) phần tử cơ hội, bất mãn chính trị; (3) một bộ phận trí thức quay lưng với Tổ quốc và (4) một số cá nhân bị ảnh hưởng bởi chính sách tinh giản biên chế, từ đó tiến hành tuyên truyền, xuyên tạc, kích động.
Không dừng lại ở đó, thông qua hệ thống internet và các cơ quan truyền thông chống phá như RFA, VOA..., chúng lôi kéo, tiếp tay cho những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị trong nước để phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc thực tế. Các luận điệu này được ngụy trang dưới hình thức “phân tích chuyên sâu”, “góc nhìn độc lập” dễ gây nhiễu loạn nhận thức, đặc biệt trong bối cảnh một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn tâm lý dao động, hoang mang trước những tác động trực tiếp của công cuộc cải cách. Mục tiêu cuối cùng là gieo rắc hoài nghi, gây chia rẽ nội bộ, phá vỡ khối đoàn kết và làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và con đường đổi mới mà đất nước đang kiên định theo đuổi. Đây thực chất là quá trình tạo “sóng ngầm” bên ngoài xã hội rồi “hợp lực, cộng hưởng” với quá trình suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng. Đúng như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”[5].
2. Chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy - Sự vận dụng sáng tạo chân lý khoa học nhằm đáp ứng mệnh lệnh của cuộc sống
Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay không phải là hiện tượng đơn lẻ, nhất thời, càng không phải là sản phẩm của những khủng hoảng bộ máy hay hệ quả của sai lầm quản trị như các thế lực thù địch xuyên tạc. Đây là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về nhà nước - một chân lý khoa học lớn, có sức sống bền vững, được kiểm nghiệm qua thực tiễn cách mạng thế giới. Đồng thời, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn đổi mới đất nước và bắt kịp xu thế chung của thời đại.
Một là, chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy là sự vận dụng sáng tạo chân lý khoa học vào thực tiễn đất nước
Học thuyết Mác - Lênin không chỉ trang bị thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng trong nghiên cứu nguồn gốc, bản chất, chức năng của nhà nước mà còn định hướng việc xây dựng một bộ máy nhà nước khoa học, tinh gọn, vì nhân dân phục vụ. Với trí tuệ thiên tài và tầm nhìn chiến lược, V.I.Lênin đã khẳng định nguyên tắc bất di bất dịch trong tổ chức bộ máy nhà nước là: “Thà ít mà tốt”[6], bởi vìchỉ có như vậy mới thực hiện được mục tiêu “xây dựng một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết”[7]. Người cảnh báo: “Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn. Tôi biết là quy tắc ngược lại thế sẽ tự mở cho nó một con đường bằng muôn nghìn ngõ ngách. Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự lại một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường; rằng công tác ấy, ít nhất là trong những năm đầu, sẽ vô cùng ít hiệu quả”[8].Không chỉ dừng lại ở nhận thức lý luận, V.I.Lênin còn đề xuất các biện pháp cụ thể để thực hiện tinh gọn bộ máy: đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ khâu đột phá, đổi mới công tác cán bộ, trong đó nổi bật là việc hợp nhất “Bộ Dân uỷ thanh tra công nông” với “Ban Kiểm tra Trung ương” - vừa tăng uy tín cơ quan hành pháp, vừa nâng cao hiệu lực giám sát Đảng.
Là học trò xuất sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tìm thấy “cẩm nang thần kỳ” để cứu nước, giải phóng dân tộc mà còn tìm thấy “chìa khóa” lý luận, thực tiễn trong quá trình tổ chức sắp xếp bộ máy Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam trên tinh thần “thà ít mà tốt”. Ngay trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, khó khăn trăm bề, Người đặc biệt coi trọng việc chấn chỉnh tổ chức bộ máy nhà nước để vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa nâng cao hiệu quả quản lý. Người chỉ rõ thực trạng của bộ máy nhà nước như: “các cơ quan của ta người nhiều, việc ít, xài phí lu bù...”[9], trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn có ý nghĩa then chốt cần huy động tối đa mọi nguồn lực của đất nước. Người đưa ra những yêu cầu cấp bách như: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các Ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản). Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại”[10]“để bớt sự đóng góp cho dân, và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”[11]. Theo Người, tinh giản tổ chức bộ máy không phải là tiến hành cắt giảm một cách cơ học mà quan trọng là phải chú trọng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động, nghĩa là, cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước phải thực sự có đủ tài - đức. Do đó, nhiệm vụ của nhà nước phải “tập hợp nhân tài, không phân đảng phái”[12]và có phương pháp sử dụng nhân tài - “biết tuỳ tài mà dùng người”[13]. Người căn dặn: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”[14]. Nhờ quán triệt sâu sắc quan điểm về tinh giản, tổ chức sắp xếp bộ máy, bộ máy nhà nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu luôn hết sức gọn nhẹ nhưng hiệu quả hoạt động rất cao. Theo đó, “Chính phủ cách mạng lâm thời” được thành lập sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 chỉ gồm 15 thành viên với 13 bộ; “Chính phủ liên hiệp kháng chiến” năm 1946 chỉ gồm 12 thành viên và 10 bộ. Không chỉ tinh giản ở cấp Trung ương, bộ máy hành chính ở cấp địa phương cũng được tinh giản gọn nhẹ, phân định rõ về chức năng, nhiệm vụ. Người nói rõ: “Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương... Ủy ban có từ 5 đến 7 người phải cử ra”[15]. Trong tình cảnh đất nước chồng chất khó khăn, vừa lo giữ nước, vừa lo phát triển kinh tế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành sự quan tâm thích đáng đến công tác tổ chức sắp xếp bộ máy nhà nước tinh gọn, coi đây là một chủ trương lớn, một chiến lược cách mạng quan trọng để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Rõ ràng rằng, tinh gọn bộ máy không chỉ là yêu cầu bức thiết đối với riêng Việt Nam mà là mệnh lệnh tự thân của bất kỳ nhà nước nào, kể cả những mô hình nhà nước dân chủ tiên tiến. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, không phụ thuộc vào điều kiện giàu nghèo mà phụ thuộc vào tầm nhìn quản trị quốc gia. Càng đến gần đỉnh cao phát triển càng cần có một bộ máy khỏe mạnh, hiệu quả và linh hoạt. Bởi lẽ, như Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[16]thì để xây dựng đất nước phồn vinh, hùng mạnh, không có con đường nào khác ngoài việc kiên định xây dựng một nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân - bắt đầu từ một bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Hai là, chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy đáp ứng đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn đất nước và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử làm cho “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế”[17]của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao, vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Những yếu kém này, nếu không được khắc phục kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã thẳng thắn chỉ rõ: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”[18]. Trên cơ sở tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, Đảng ta đã có đánh giá toàn diện, khách quan, chỉ ra những kết quả tích cực đã đạt được, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế. Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh: “cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng…”[19]. Những hạn chế, yếu kém trên không bắt nguồn từ thể chế chính trị, càng không phải là hệ quả tất yếu của mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đang xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là do mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy chưa hoàn thiện; việc tổ chức thực hiện còn thiếu quyết liệt, đồng bộ, thậm chí ở một số nơi vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, làm chậm quá trình đổi mới. Việc xuyên tạc rằng tinh gọn tổ chức bộ máy là hệ quả của “đổi mới nửa vời” (chỉ đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị) là luận điệu sai trái, độc hại, mang tính thù địch, nhằm bóp méo bản chất tiến bộ, khoa học và nhân văn của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Trước yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng đã xác định rõ: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; “Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”[20]. Đây là nhiệm vụ hết sức phức tạp, hệ trọng, lâu dài và nhạy cảm. Nếu làm không tốt sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến ổn định chính trị - xã hội, tác động tiêu cực đến mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.
Thực tiễn quốc tế cho thấy, tinh gọn bộ máy nhà nước là một xu thế khách quan, không chỉ riêng Việt Nam mà còn là vấn đề mang tính toàn cầu, kể cả ở các quốc gia phát triển. Tại Hoa Kỳ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) với nhiệm vụ rà soát, cắt giảm chi tiêu công, tinh giản biên chế, loại bỏ những vị trí không cần thiết, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm ngân sách. Đợt cải tổ đó đã loại bỏ gần 10.000 công chức, chủ yếu là những người đang trong thời gian thử việc, đồng thời DOGE đặt mục tiêu cắt giảm tới 75% biên chế các cơ quan liên bang. Tại Trung Quốc -quốc gia có quy mô dân số lớn thứ hai thế giới, kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa năm 1978 đến nay, nước này đã thực hiện 9 đợt “cải cách cơ cấu Chính phủ”. Theo đó, mặc dù vẫn giữ 26 bộ, ban, ngành cấp trung ương, nhưng Trung Quốc đang cắt giảm 5% biên chế tại các cơ quan nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và kiểm soát chi tiêu công. Những động thái này cho thấy, ngay cả trong mô hình chính trị khác biệt, yêu cầu về tinh gọn tổ chức bộ máy vẫn là nhu cầu thiết yếu để thích ứng với bối cảnh phát triển mới.
Từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế có thể khẳng định: tinh gọn tổ chức bộ máy là quy luật tất yếu khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Vì vậy, những luận điệu xuyên tạc rằng việc tinh gọn bộ máy ở Việt Nam chỉ là “thủ thuật chính trị”, “chiêu trò tạo dấu ấn cá nhân” hay nhằm “thanh trừng nội bộ” là hoàn toàn sai trái, phiến diện và cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ. Tinh gọn bộ máy không chỉ là nhu cầu nội sinh từ thực tiễn phát triển đất nước mà còn là một bước đi quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân.
3. Phản bác thủ đoạn xuyên tạc chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy - Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ và không khoan nhượng
Với ý nghĩa là một cuộc cách mạng, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị muốn thành công phải có sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong đó, cần phải tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa “tạo động lực”với “khắc phục trở lực”, giữa “xây” và “chống”, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch đang tiến hành các hoạt động chống phá điên cuồng. Để giải quyết mối quan hệ trên cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nhằm thống nhất tư tưởng và hành động cho mọi cán bộ, công chức và người dân về chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Công tác tuyên truyền phải đi trước, đón đầu, phải trở thành “tiền đồn” nhằm định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và Nhân dân. Đồng thời, thông tin chính thống phải phủ kín trên mọi môi trường (cả thực và ảo) và không được tạo ra “vùng trống”, “vùng trắng” thông tin - nơi mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để gieo rắc hoài nghi, xuyên tạc và chia rẽ nội bộ.Trong bối cảnh kẻ thù đẩy mạnh chiến tranh thông tin, công kích trên không gian mạng, việc tuyên truyền chủ trương của Đảng phải mang tính phản biện kịp thời, có chiều sâu lý luận, vững chắc về chứng cứ thực tiễn, sắc sảo về lập luận và thuyết phục về cảm xúc. Công tác tuyên truyền không chỉ “nói cho dân hiểu” mà còn “dẫn cho dân đi đúng” góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng sức đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc sai trái, thù địch.
Hai là, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và khẩn trương chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy. Đây là vấn đề hệ trọng, có tính chiến lược lâu dài, liên quan trực tiếp đến cơ cấu vận hành của toàn bộ hệ thống chính trị, ảnh hưởng sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công. Vì vậy, cần quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tránh tình trạng chần chừ, cầu an, sợ trách nhiệm - vốn là những biểu hiện cản trở tiến trình cách mạng.Quá trình thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc “kiên quyết nhưng không nóng vội, thận trọng nhưng không chậm trễ”. Bời vì, nếu thiếu quyết tâm chính trị và sự đồng bộ trong tổ chức thực hiện, chủ trương đúng đắn của Đảng rất dễ bị trì hoãn, biến tướng, thậm chí bị vô hiệu hóa trong thực tiễn. Ngược lại, nếu nóng vội, duy ý chí, thực hiện máy móc, rập khuôn thì dễ dẫn đến xáo trộn tổ chức, ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống cán bộ, làm phát sinh “trở lực” thay vì tạo “động lực”.
Ba là, đề cao trách nhiệm tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị -lấy hành động thực tiễn làm thước đo của ý chícách mạng. Tinh gọn tổ chức bộ máy là một quá trình cải cách sâu rộng, tác động trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm và vị trí công tác của từng cán bộ, do đó chỉ có thể đi đến thành công nếu đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, thực sự dấn thân, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp”[21]. Khi cơ chế, chính sách đã được ban hành đầy đủ, thì điều cốt lõi để chủ trương đi vào thực tiễn chính là tổ chức thực hiện. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”[22] đòi hỏi cán bộ không thể đứng ngoài, không thể thụ động. Mỗi cán bộ, công chức cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ phương châm “7 dám” - “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích lợi ích chung”[23].Tổ chức lại bộ máy, xét đến cùng là sắp xếp lại con người và công việc - làm sao để “đúng người, đúng việc, không dư thừa, không chồng chéo”. Tuy nhiên, nếu thiếu tinh thần “7 dám”, rất dễ xuất hiện tâm lý trông chờ, né tránh, ỷ lại -biểu hiện dưới hình thức “ngủ đông”, “chờ xếp hàng”, “chờ thời”... là những lực cản vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm đối với tiến trình cách mạng.Do đó, để khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, ngoài công tác vận động, giáo dục, nêu gương rất cần thiết lập các cơ chế cụ thể, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Bốn là, tăng cường thực hiện các chính sách xã hội ưu việt nhằm chăm lo bồi dưỡng đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức và Nhân dân. Trước, trong và sau cách mạng, các chính sách dưỡng dân và an dân có vai trò rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[24]. Thực tiễn cũng cho thấy, sau những bước chuyển của cách mạng, nhất là ở những thời điểm có tính chất bước ngoặt, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng thi hành các chính sách dưỡng dân, an dân để củng cố niềm tin của Nhân dân. Quá trình triển khai chủ trương về tinh gọn tổ chức bộ máy, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục triển khai các chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức và Nhân dân, nhất là bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động của quá trình tinh gọn để giữ vững ổn định chính trị, khuyết khích động viên cán bộ, công chức trong bộ máy nỗ lực làm việc hiệu năng, hiệu quả, khắc phục triệt để các biểu hiện tiêu cực, nhất là tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hống hách, cửa quyền.
Năm là, tăng cường và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân ngày càng bền chặt, thực chất. Mối quan hệ Đảng với Nhân dân là nền tảng căn bản, có ý nghĩa chiến lược trong thể chế chính trị nước ta, là nhân tố quyết định sự thành bại của mọi chủ trương, chính sách. Phương châm “Ý Đảng hợp lòng Dân” không chỉ là kim chỉ nam cho hành động mà còn là thước đo cho niềm tin chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy đang được đẩy mạnh - một quá trình vừa phức tạp, vừa nhạy cảm thì đây cũng là điểm dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chia rẽ lòng dân. Do đó, mối quan hệ Đảng với Nhân dân cần tiếp tục được bồi đắp, làm sâu sắc và hiện đại hóa thông qua nhiều hình thức, phương tiện mới. Trong đó, việc mở rộng cơ chế trưng cầu ý kiến, phản biện xã hội của Nhân dân đối với các chủ trương, chính sách lớn trên nền tảng công nghệ số phải được xem là kênh thông tin thiết yếu và thường xuyên. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao trình độ, đổi mới tư duy, phương pháp và phong cách tiếp dân của đội ngũ cán bộ, công chức lấy đó làm một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu trong công tác tuyển chọn, bố trí và sắp xếp cán bộ, công chức các cấp sau tinh gọn bộ máy.
Sáu là, phát huy mạnh mẽ vai trò của các lực lượng chuyên trách trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của các lực lượng chuyên trách (như Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47, Bộ Tư lệnh 86...) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách, nhất là trong bối cảnh cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã chuyển dần từ “không gian thực”sang “không gian số”, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị đang ngày càng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Những lực lượng này cần tiếp tục được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và khả năng thích ứng với công nghệ mới. Trên tinh thần đó, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách thực sự “vững vàng về chính trị - tinh thông về nghiệp vụ - chuẩn mực về đạo đức, tác phong”, đủ sức chủ động phát hiện, bóc trần và phản bác có hiệu quả những thủ đoạn nham hiểm, tinh vi của các thế lực chống phá. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ nhận diện và xử lý thông tin tự động… là hết sức cần thiết nhằm nâng cao năng lực nhận diện thủ đoạn, xác định đối tượng, phân loại hành vi vi phạm và triển khai biện pháp đấu tranh một cách kịp thời, chính xác, hiệu quả.
Tóm lại, tinh gọn về tổ chức bộ máy là chủ trương đúng đắn nhằm đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống. Đây là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, lâu dài, gian khổ đòi hỏi sự đoàn kết, dũng cảm, sự hy sinh, quyết tâm rất cao của từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của kẻ thù là những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ tất yếu sẽ bị vạch trần, bác bỏ bởi chân lý và sự thật. Khi mọi chủ trương, đường lối đã đầy đủ, đã rõ, điều cốt yếu nhất là phải tổ chức hướng dẫn cả hệ thống chính trị và mọi người dân thực hiện thắng lợi đường lối. Đúng như lời nhắc nhở của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”[25]./.
Ngô Văn Khu
(Trung tâm 386, Bộ tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng)
[1]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr.636.
[2]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr.636.
[3] Nguyễn Sĩ Dũng, Kết quả tinh gọn nhanh ngoài mức tưởng tượng, đăng tại https://vov.vn/chinh-tri/ts-nguyen-si-dung-ket-qua-tinh-gon-nhanh-ngoai-muc-tuong-tuong-post1157567.vov, ngày đăng 28/2/2025.
[4]Nguyễn Sĩ Dũng, Kết quả tinh gọn nhanh ngoài mức tưởng tượng, đăng tại https://vov.vn/chinh-tri/ts-nguyen-si-dung-ket-qua-tinh-gon-nhanh-ngoai-muc-tuong-tuong-post1157567.vov, ngày đăng 28/2/2025.
[5]Ban Tuyên giáo Trung ương (2022), Tài liệu học tập các văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.135-136.
[6]V.I.Lênin (1978), Toàn tập,tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,tr.442
[7]V.I.Lênin (1978), Toàn tập,tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,tr.445.
[8]V.I.Lênin (1978), Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,tr.445.
[9]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7,Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.367.
[10]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc giaSự thật, Hà Nội, tr.367.
[11]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập,tập 7,Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.164.
[12]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập,tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.618.
[13]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.314.
[14]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4,Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.43.
[15]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4,Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.12.
[16]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập,tập 12,Nxb Chính trị quốc giaSự thật, Hà Nội, tr.30.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,tập II, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.322.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.38.
[19]Tổng Bí thư Tô Lâm, Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, đăng tại https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua, ngày đăng 05/11/2024
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.45.
[21]Tổng Bí thư Tô Lâm, Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, đăng tại https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua, ngày đăng 05/11/2024
[22]Tổng Bí thư Tô Lâm, Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, đăng tại https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua, ngày đăng 05/11/2024
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.187.
[24]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4,Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.64.
[25]Hải Đường, Làm gì để đưa nhanh Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đăng tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nam-2016/-/2018/520446/lam-gi-de-dua-nhanh-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song.aspx, ngày đăng 20/08/2019.