Cách hạn chế ra mồ hôi tay
Theo kinh nghiệm dân gian, có thể nhổ cây lá lốt lấy cả rễ, rửa thật sạch, đem phơi cho tái đi, sau đó sao vàng hạ thổ rồi dùng để đun nước uống hoặc ngâm chân, tay. Nước lá lốt có tác dụng hạn chế ra mồ hôi và khử khuẩn.
Dùng giấm táo giúp cân bằng độ pH trong cơ thể để làm giảm lượng mồ hôi tay. Loại men này cũng giúp se khít lỗ chân lông, hạn chế dầu thừa trên tay. Ngoài ra, nó còn có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm hiệu quả.
Cách làm: Lau tay bằng khăn đã thấm ướt bằng giấm táo hữu cơ 2 lần/ngày hoặc trộn giấm với nước theo tỉ lệ 1:1, ngâm tay 5 phút. Sau đó rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
Yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân gây ra mồ hôi tay. Một số người khi gặp căng thẳng quá độ sẽ toát mồ hôi tay rất nhiều. Nếu bạn thuộc trường hợp này, hãy khắc phục bằng cách tránh căng thẳng, luân phiên nghỉ ngơi làm việc; thư giãn giúp giải tỏa mệt mỏi bằng cách xem phim, nghe nhạc, du lịch; thực hiện những bài tập thể dục mà bạn cảm thấy thoải mái để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, làm giảm stress, tuyến mồ hôi sẽ ít hoạt động hơn.
Ngoài ra, chế độ ăn uống hợp lý cũng là một biện pháp để xóa bỏ tình trạng ra mồ hôi tay. Có những món ăn làm kích thích tuyến mồ hôi hoạt động như đồ ăn có vị cay, món ăn nhiều gia vị, chứa hành tây và tỏi. Các thực phẩm chế biến sẵn hoặc chứa nhiều muối cũng làm đổ mồ hôi tay nhiều hơn. Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng các đồ uống chứa caffein nóng và thức uống chứa cồn.
Bên cạnh đó, việc bổ sung thực phẩm chứa vitamin B và magie cũng giúp giảm tình trạng ra mồ hôi tay. Vitamin B giúp kiểm soát tốt nhiệt độ cơ thể, không quá nóng cũng không quá lạnh. Một số thực phẩm giàu Vitamin B có thể kể đến cá, thịt gia cầm, trứng, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám…
Ra mồ hôi tay nhiều thường không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng dẫn đến các vấn đề về thể chất và tinh thần, gây cản trở sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, khi có biểu hiện tình trạng này, bạn áp dụng những cách trên không hiệu quả thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Thùy Linh