Tinh gọn bộ máy để Tổ quốc vươn mình: Mở lối để địa phương vươn vai phát triển
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN
(Tiếp theo kỳ trước)
Sau việc sáp nhập, giảm đầu mối các bộ, ngành ở Trung ương và hệ thống dọc ở địa phương, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được chuyển sang sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện. Đây chính là hướng mở lối để địa phương vươn mình phát triển.
Chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Sáng 10-4, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Trong hơn 4 tháng qua, thực hiện các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận ở cấp Trung ương. Những con số về tinh giảm đầu mối và hiệu quả công việc cũng như tiết kiệm chi phí nêu trong các báo cáo đã thể hiện rõ tính cách mạng trong việc tinh gọn này. Song đánh giá một cách tổng thể, mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa thật hoàn thiện, nhất là ở địa phương. Để tiếp tục cuộc cách mạng về tinh giản tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp nhiều phiên, bàn bạc thấu đáo nhiều khía cạnh và thống nhất cao trình Trung ương Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trước đó, vào ngày 7-4, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Kế hoạch). Mục đích của Kế hoạch nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kết luận và Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh gọn bộ máy. Đồng thời tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và chính quyền địa phương các cấp; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp Kế hoạch đặt ra là hoàn thiện chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho việc sắp xếp ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo Kế hoạch, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bộ, ngành trung ương chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan đến sắp xếp ĐVHC, kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm sau sắp xếp ĐVHC, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý. Thời gian hoàn thành trước ngày 30-6-2025.
Thành lập Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực
Trước những băn khoăn của một số người dân, trong đó có các CCB về việc tổ chức khu vực phòng thủ khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện, ngày 8-4, tại cuộc gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Tổng Bí thư Tô Lâmcho biết: Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã từng bước điều chỉnh cơ cấu tổ chức nhằm mục tiêu tinh - gọn - mạnh. Bộ Quốc phòng đang tiến hành sắp xếp Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh tương ứng với điều chỉnh đơn vị hành chính cấp tỉnh; giải thể Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, thành lập Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực để đảm bảo duy trì sức mạnh quân sự của đất nước.
Trước đó, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng về tổ chức quân sự địa phương sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện.
Tại hội nghị, trên cơ sở kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến vào một số nội dung về tổ chức quân sự địa phương sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện; đồng thời xác định tiếp tục sắp xếp các tổ chức quân sự địa phương, Bộ đội Biên phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo đảm "tinh-gọn-mạnh" hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian, thực sự là nòng cốt trong xây dựng và thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, tham mưu sắp xếp các Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh theo các tỉnh được sáp nhập, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; đồng thời, bảo đảm được sự thống nhất trong xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc, giữ được sự ổn định.
Theo cảm nhận của đông đảo nhân dân, nhất là các CCB trong cả nước, thời gian qua, việc sắp xếp tổ chức bộ máy nói chung của chúng ta được thực hiện với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, "vừa chạy vừa xếp hàng", "không cầu toàn nhưng không nóng vội", "không được để gián đoạn công việc", "mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ". Ngoài ra, với những bước đi, lộ trình được thực hiện bài bản, khoa học, bảo đảm giữ đúng điều lệ Đảng, quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo của Trung ương. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy được thực hiện mạnh mẽ, triệt để, khoa học, nhân văn, làm từ trên xuống dưới với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng".
Nhiều CCB cho rằng, sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy tổ chức ở Trung ương, hợp nhất các bộ, ngành, đây là thời điểm chín muồi để nghiên cứu, thực hiện việc sáp nhập các tỉnh có diện tích và dân số nhỏ lại với nhau, giúp tinh gọn tổ chức bộ máy, mở ra các không gian và động lực phát triển mới.
Cùng với việc tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, thì việc sáp nhập các xã là cần thiết. Cấp xã có quy mô đủ lớn thì mới bố trí được tổ chức và nhân sự phù hợp để giải quyết được một số công việc mà trước đây do cấp huyện đảm nhận.
Việc sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, giảm số lượng cấp xã là yêu cầu khách quan, không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn mở rộng không gian để phát triển ổn định trăm năm, có tính chất chiến lược dài hạn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thực tế việc chuẩn bị sáp nhập đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy đang diễn ra tại Việt Nam là như vậy. Thế nhưng, trên một số trang mạng xã hội, đã xuất hiện khá nhiều bài viết xuyên tạc thực tế sắp xếp tổ chức bộ máy của chúng ta. Chính vì thế, cùng với việc khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tinh gọn bộ máy, chúng ta cần kiên quyết vạch trần thủ đoạn, đấu tranh không khoan nhượng với các đối tượng thù địch./.
Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cùng với các Đề án kèm theo là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử; không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ; mà còn phân cấp về thẩm quyền; bố trí lại đơn vị hành chính; phân bổ về nguồn lực; tạo không gian phát triển. Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này không chỉ đơn thuần là tinh gọn các đầu mối mà hướng tới mục tiêu lớn hơn. Đó là mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng, sức bật cho đất nước trong kỷ nguyên mới, đồng thời đảm bảo tính ổn định lâu dài của hệ thống, tổ chức với tầm nhìn chiến lược
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
(Còn nữa)
Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Thượng tá Nguyễn Văn Hoan, Thượng tá Phan Văn Cấp (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị)