Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Không thể xuyên tạc bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975 (Ảnh: Tư liệu )
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi trọn vẹn vào ngày 30-4-1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên rực rỡ, huy hoàng cho đất nước. Thế nhưng, nửa thế kỷ qua, các thế lực thù địch đã coi ngày 30-4-1975 là “ngày quốc hận”, tìm mọi thủ đoạn để xuyên tạc bản chất của cuộc kháng chiến này.
Những tiếng nói lạc lõng trong Ngày Chiến thắng
Cách đây tròn 50 năm, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm (1954-1975), mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Kể từ đó, ngày 30-4 hằng năm đã trở thành ngày lễ chính thức của nhân dân Việt Nam, được nhân dân tự hào đặt tên là Ngày Chiến thắng, hoặc Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thế nhưng, trước và trong ngày lễ trọng đại này vẫn còn có những tiếng nói lạc lõng làm vẩn đục bầu không khí lễ hội của chúng ta.
Suốt nửa thế kỷ qua, các thế lực thù địch vẫn không nhìn thẳng vào sự thật, cố tình đánh tráo, xuyên tạc bản chất, ý nghĩa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xuyên tạc Chiến thắng 30-4-1975. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, chúng liên tục đăng tải nhiều bài viết, video, hình ảnh sai lệch, xuyên tạc trên Internet, mạng xã hội và báo chí nước ngoài. Dưới tiêu đề “Ngày quốc hận”, “Tháng tư đen”, “Tháng tư buồn”, “Phục quốc”… các bài viết xuyên tạc sự thật của chúng đã được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội nhằm hướng lái dư luận, đánh tráo bản chất chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Cùng với đó, chúng đòi vinh danh cái được gọi là “chế độ Việt Nam Cộng hòa”, thậm chí có ý kiến còn đòi chia đôi đất nước giống như trước năm 1975. Từ đó, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đòi từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và kiên trì xây dựng; bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ Đảng với nhân dân, kích động hận thù, ly khai; phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân; làm giảm ý chí quyết tâm, đóng góp xây dựng đất nước của nhân dân, trong đó có các CCB.
Một số kẻ tự xưng là “trí thức dân chủ” thì “kiến nghị”: “Không nên gọi ngày 30-4 là ngày giải phóng hoặc là ngày chiến thắng”. Họ “phân tích”: “Chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1954-1975 thực chất là nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc”, “Không có kẻ thua, người thắng, chỉ nhân dân là chịu thiệt thòi”, “Chỉ khi nào Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước, chỉ khi nào Việt Nam lựa chọn đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có thể thực hiện việc hòa hợp, hòa giải dân tộc”…
Sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam
Lịch sử đã chứng minh rẳng bản chất của cuộc chiến tranh (1954-1975) ở Việt Nam là chiến tranh xâm lược Việt Nam do đế quốc Mỹ tiến hành. Âm mưu của đế quốc Mỹ là nhằm tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn CNXH lan xuống Đông Nam châu Á. Đồng thời, lấy miền Nam làm căn cứ tiến công miền Bắc, tiền đồn của hệ thống XHCN thế giới ở Đông Nam châu Á, bao vây và uy hiếp các nước XHCN khác.
Để thực hiện âm mưu nói trên, đế quốc Mỹ đã huy động lúc cao nhất tới 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân; có lúc hơn nửa triệu quân Mỹ hiện diện trên chiến trường miền Nam Việt Nam (chưa kể quân của một số nước đồng minh), cùng các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất được huy động để chống lại nhân dân Việt Nam. Những cứ liệu đó đã bóc trần sự xuyên tạc của luận điểm cho rằng: “Đây là cuộc nội chiến của những người Việt Nam với nhau”.
Chính cựu Ngoại trưởng Mỹ - Henry Kissinger đã phải thừa nhận: “Chúng ta đã sai lầm. Việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào Việt Nam là biện pháp giải quyết tồi nhất”. Ngay ông “Phó tổng thống Việt Nam cộng hòa” Nguyễn Cao Kỳ cũng thừa nhận: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ. Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu làm “kép nhất” và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”.
Không thể đánh đồng người hy sinh vì cách mạng với người phản bội Tổ quốc
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến của những người tự xưng là “yêu nước chân chính” kêu gọi cần phải “đối xử công bằng” với “những người lính Việt Nam cộng hòa”. Họ cho rằng, những người “lính Việt Nam cộng hòa” cũng “có công bảo vệ Tổ quốc”, vì thế cần phải “tôn vinh những người đã hy sinh vì Tổ quốc”. Có lẽ họ không biết hoặc cố tình không biết rằng chính thể “Việt Nam cộng hòa” năm 1955 mới ra đời một cách bất hợp pháp trên nửa lãnh thổ phía Nam của Việt Nam. Trong khi đó Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập một cách chính danh trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1945 sau cuộc Cách mạng Tháng Tám của muôn triệu con dân đất Việt trước khi bất kỳ lực lượng quân đồng minh nào vào giải giáp quân Nhật.
Ngay trong năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội theo chế độ phổ thông đầu phiếu trên toàn quốc với sự tham gia của đông đảo đồng bào và đã có bản Hiến pháp đầu tiên được thông qua - hai sự kiện này đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho nhà nước dân chủ mới khai sinh. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành những sắc lệnh, những văn bản pháp lý đầu tiên khẳng định nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ từ Bắc đến Nam.
Sau năm 1954, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù đang trên thế thắng về mặt quân sự (với trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu) vẫn chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử trên tinh thần hòa hợp để thống nhất đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Tuy nhiên cả phía Mỹ và cái gọi là “Việt Nam cộng hòa” đều kiên quyết từ chối thiện chí đó. Theo Hiệp định Geneva, Việt Nam chỉ tạm thời bị chia cắt làm hai miền, giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời và không phải là biên giới quốc gia. Theo Hiệp định này, hai bên sẽ tiến hành hiệp thương để thống nhất đất nước trong năm 1956. Tuy nhiên, ông Ngô Đình Diệm - do CIA (Mỹ) “tìm thấy” và đưa về Việt Nam làm Thủ tướng của chính phủ bù nhìn Bảo Đại đã trắng trợn vi phạm Hiệp định Geneva, đi ngược lại nguyện vọng thống nhất của dân tộc.
Thời đó, người Mỹ và phe cánh của ông Diệm lo sợ uy tín to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Đảng Lao động Việt Nam đã phải sử dụng nhiều “mưu hèn kế bẩn” để củng cố quyền lực của mình, rồi gian lận trong cuộc “trưng cầu dân ý” để hạ bệ luôn Quốc trưởng Bảo Đại, dựng lên “Việt Nam cộng hòa”. Tiếp đó, ông Diệm áp dụng nhiều chiêu thức man rợ để tàn sát những người kháng chiến cũ và những người yêu nước chân chính, khủng bố tinh thần của nhân dân, củng cố chính quyền phản động của mình, công khai phá hoại Hiệp định Geneva, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước.
Chính thể “Việt Nam Cộng hòa” là phi pháp nên các công cụ bạo lực của nó cũng chỉ là lực lượng phản dân hại nước làm tay sai cho các thế lực ngoại bang.
Với bản chất đánh thuê (và cả chết thuê nữa), quân lực “Việt Nam cộng hòa” hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, thiếu lý tưởng, không thể đại diện cho dân tộc Việt Nam và cũng không thể kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc Việt Nam.
Tất nhiên, “Quân lực Việt Nam cộng hòa” bao gồm chủ yếu là những người con đất Việt, nhưng họ đã không phát huy được truyền thống tổ tiên, vì họ đã sống trong môi trường tha hóa và thiếu chính danh của “Việt Nam cộng hòa”, đã lầm đường lạc lối, đã bị lừa dối, bị ép buộc, hoặc đơn giản là hành động chỉ vì miếng cơm manh áo. Điều này khác biệt với Quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân vì nhân dân mà ra vì nhân dân mà chiến đấu. Vì thế, không thể đánh đồng người hy sinh, cống hiến vì cách mạng với người phản bội Tổ quốc./.
Trung tá, CCB Lê Thị Thúy - Bí thư chi bộ Khu dân cư số 12,phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội