Mũi tên trúng ba đích
Những mâu thuẫn trong quan hệ giữa Mỹ và Iran khiến Nhật Bản rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong khi Tokyo đối mặt với áp lực phải tham gia với Washington để “bảo đảm an ninh cho vùng biển chiến lược gần eo biển Hormuz”, lượng dầu lớn nhập từ Tehran lại có tầm quan trọng đặc biệt với kinh tế Nhật Bản. Thế nhưng, Nhật Bản đã gỡ được thế bí một cách ngoạn mục khi vừa bảo đảm quan hệ với Mỹ và Iran, vừa không vi phạm những quy định pháp lý và chính trị trong nước.
Sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) tháng 5-2018, quan hệ giữa Mỹ và Iran càng phát triển theo hướng đối đầu. Trong bối cảnh này, ngay sau khi một tàu chở dầu của Nhật Bản cùng nhiều tàu chở dầu của Saudi Arabia và UAE bị tấn công ở khu vực gần eo biển Hormuz, Mỹ thẳng thừng cáo buộc Iran là thủ phạm dù Tehran kiên quyết phản đối. Chẳng những thế, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đe dọa trừng phạt các nước nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Điều này khiến Nhật Bản - nước vẫn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ Trung Đông để đáp ứng 90% nhu cầu năng lượng trong nước - đã phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran và tìm kiếm các nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các nguồn cung ổn định với khối lượng lớn và trong thời gian dài không dễ. Đó là chưa kể sức ép về giá mà Tokyo phải đối mặt khi chuyển sang nguồn cung mới.
Đã khó lại khó hơn. Mỹ ngày càng tăng sức ép đòi Nhật Bản sớm tham gia “Sáng kiến an ninh hàng hải”, một bài toán quá khó đối với Thủ tướng Nhật Bản - Abe Shinzo vì việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ với Iran. Hơn thế, việc cử tàu chiến tham gia liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu ở vịnh Ba Tư có thể tiềm ẩn những rủi ro lớn về mặt pháp lý và chính trị do Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản không cho phép Nhật Bản tham chiến để giải quyết các xung đột quốc tế.
Tự gỡ thế bí cho mình, giữa tháng 6-2019, Thủ tướng Abe Shinzo đã có chuyến thăm Iran để thuyết phục được Tehran ngồi vào bàn đàm phán với Washington nhưng không thành. Tuy vậy, chuyến thăm này cũng giúp Tokyo duy trì được mối quan hệ mật thiết với Tehran, củng cố lòng tin giữa hai nước. Kiên trì và sáng tạo, lối thoát cho cả Nhật Bản, và xem ra cũng tốt cho cả Mỹ và Iran, đã được mở ra trong chuyến thăm Nhật Bản những ngày cuối năm 2019 của Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Những tuyên bố đạt được giữa lãnh đạo hai nước trong chuyến thăm của Tổng thống Iran tới Nhật Bản cho thấy cả hai đã có những bước thỏa hiệp nhất định để duy trì quan hệ cùng có lợi hiện nay. Lãnh đạo Nhật Bản đã khẳng định lại tầm quan trọng của việc bảo đảm tuân thủ JCPOA nhằm thuyết phục Iran tuân thủ cho dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Bên cạnh đó, cách thức Nhật Bản mong muốn đóng góp cho sự ổn định và hòa bình tại Trung Đông thông qua việc phái Lực lượng phòng vệ tới khu vực này cũng được Thủ tướng Nhật Bản giải thích rõ với Tổng thống Iran và được Iran ủng hộ. Theo đó, tàu chiến của Nhật Bản sẽ tới Trung Đông với mục đích “điều tra và nghiên cứu”, không đi vào vịnh Pécxích mà chỉ hoạt động trong khu vực từ vịnh Oman tới biển Arab và vịnh Bab el-Mandeb. Đây là một thỏa hiệp khôn khéo, vừa giúp Tokyo chứng tỏ cho Washington thấy Nhật Bản sẵn sàng đóng góp cho “Sáng kiến an ninh hàng hải” cho dù không tham gia trực tiếp vào liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu, vừa tránh chọc giận Iran. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng giúp chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo tránh được một cuộc tranh cãi tại quốc hội về vấn đề sử dụng vũ khí của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Quả là một mũi tên trúng ba đích! Thế nhưng mũi tên này có được bắn đi hay không còn phụ thuộc vào cái gật đầu của Washington.
Ngọc Hưng