Israel “càn lướt”, Mỹ bó tay

Cảnh tan hoang ở ngoại ô Thủ đô Beirut (Liban) sau khi bị không kích.

Tình hình Trung Đông đang có bước leo thang mới khi bất chấp sự can ngăn của Mỹ, Israel phát động chiến dịch trên bộ “hạn chế" vào miền Nam Liban và tăng cường không kích vào thủ đô Beirut của nước này. Mục tiêu là tiếp tục hạ sát chỉ huy và các tay súng; phá hủy các đường hầm và kho vũ khí của Hezbollah nhằm ngăn chặn khả năng nhóm này tiến hành các cuộc tấn công qua biên giới. Và một hậu quả đương nhiên là chết chóc, tàn phá bao trùm đất nước Liban.

Hành động này một mặt cho thấy sự “càn lướt” của Tel Aviv, đồng thời làm nổi bật thực tế chiến lược mới: Mỹ bất lực trong việc kiềm chế đồng minh trong một cuộc khủng hoảng khu vực đang ngày càng tồi tệ. Chiến dịch “hạn chế” được bắt đầu chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ - Joe Biden nói: "Chúng ta nên ngừng bắn ngay bây giờ", trong khi ở chiều ngược lại, Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu ngay lập tức phát biểu trên sóng phát thanh: "Không nơi nào ở Trung Đông mà Israel không thể tiếp cận được".

CNN nhận xét, Israel thường hành động trước rồi sau mới tham khảo ý kiến ​​Mỹ, ngay cả khi hành động của Tel Aviv chắc chắn sẽ làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao của Mỹ và làm gia tăng nỗi lo rằng Washington sẽ bị kéo vào một cuộc chiến tranh khu vực thảm khốc. Mỹ từng than phiền họ đã không được thông báo trước về cuộc không kích của Israel hôm 27-9 khiến thủ lĩnh Hezbollah - Hassan Nasrallah thiệt mạng, mặc dù hệ quả của vụ việc này chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng. Lần này, cũng theo CNN, Israel về cơ bản đã cố tình không thông báo cho Mỹ về các chi tiết trong chiến dịch trên bộ “hạn chế" của họ.

Đây không chỉ là vấn đề gây bối rối về mặt ngoại giao. Mỗi lần bị Israel "phớt lờ" đều gây ra hậu quả cho uy tín của Mỹ trên trường quốc tế. Không chỉ các đối thủ, ngay các đồng minh cũng bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng duy trì ảnh hưởng của Washington trong những cuộc xung đột quốc tế phức tạp. Trong khi, Thủ tướng Netanyahu hy vọng việc mở rộng cuộc chiến sang Liban có thể giúp ông duy trì sự ủng hộ trong nước, bất chấp điều này có thể khiến mối quan hệ với Mỹ căng thẳng hơn. Là một chính trị gia lão luyện, ông cũng biết rằng vào giai đoạn nước rút cuộc bầu cử đầy căng thẳng ở Mỹ, Tổng thống Biden và cấp phó của mình đồng thời là ứng cử viên tổng thống Kamala Harris sẽ khó có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh tay với Israel mà không đối mặt với những hậu quả chính trị nghiêm trọng ngay ở nhà mình.

Hiện, Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối ý định của Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran sau vụ nước này phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu quân sự của Israel hôm 1-10, nhưng rất có thể Washington một lần nữa bó tay trước đồng minh cứng đầu này.

         Đ.S